2. Khoa học luôn luôn tìm cách giản dị hoá các hoá phẩm.
Sau này lớn lên, tôi được biết thêm rằng hầu hết các danh nhân trên thế giới
đều sống giản dị. Thích ca trốn cảnh giàu sang, Giêsu cầu cảnh nghèo khổ,
Tolstoi khi về già cày cuốc lấy mà ăn, đốn củi lấy mà sưởi, Gandhi dệt vải lấy
mà bận và một danh nhân Trung Quốc đương thời trồng thuốc lấy mà hút.
Tôi lại được biết cả khoa học cũng tìm cách giản dị hoá các hoá phẩm, dụng
cụ. Bà cho tôi là ngụy biện? Để tôi xin giảng.
Khoa học tổ chức có một qui tắc kêu là tiêu chuẩn hoá. Hồi trước có hàng
chục kiểu gạch, mỗi chủ lò phải nung nhiều kiểu để bán cho khách hàng; thành
thứ mỗi kiểu không nung được nhiều, vừa tốn công tốn của mà giá gạch lại
cao. Người mua đã phải mua đắt mà khi nào muốn dùng một kiểu hơi hiếm thì
phải tìm kiếm lâu mới thấy. Như vậy bất tiện cho cả sản xuất lẫn người tiêu
thụ, nên người ta đồng lòng bỏ hết những kiểu ít thông dụng đi, chỉ giữ lại vài
kiểu làm tiêu chuẩn - nghĩa là mẫu mực - tức kiểu gạch xây tường và kiểu gạch
vuông lát nhà bây giờ. Công việc đó là công việc tiêu chuẩn hoá các viên gạch.
Phần nhiều những đồ dùng hiện nay đã được tiêu chuẩn hoá, như ngòi viết,
lưỡi dao cạo, giấy in, bóng đèn... Cả những bộ phận chiếc xe máy của bà cũng
đã được tiêu chuẩn hoá rồi mà bà không hay đấy. Bà có nhận thấy rằng chiếc
xe Dural của bà với chiếc xe Prior của bà hàng xóm tuy hình dáng khác nhau,
nhưng từ cây găm
tới vỏ xe, sườn xe, đạn, ốc... đều như nhau, có thể thay lẫn
nhau được không? Nhờ thế mà khi muốn thay vài cây găm, bà cứ việc dắt xe
lại bất kỳ hãng xe máy nào khỏi phải đi kiếm cái hãng đã sản xuất hoặc bán
kiểu xe của bà.
Vậy khoa học, tuy về một vài phương diện có làm cho đời sống thêm phiền
phức nhưng đồng thời cũng tiêu chuẩn hoá, giản dị hoá các dụng cụ, hoá phẩm
để mọi người tiết kiệm được thời giờ và tiền bạc.
3. Chúng ta nên sống giản dị.
Ta cũng nên giản dị hoá công việc và đời sống trong gia đình cho đỡ tốn thì
giờ.