Chẳng hạn, sao mỗi bữa phải ăn 5-6 món? Hai, ba món mà nấu khéo cũng
đủ rồi và ăn uống đạm bạc chừng nào thì ít đau ốm chừng nấy.
Tại sao bữa tiệc nào cũng nấu hàng chục món, dọn 5-6 thứ rượu?
Tại sao bà may nhiều kiểu áo như vậy?
Bà thử đếm trên bàn thờ xem có bao nhiêu đồ? Mỗi lần quét dọn, bà thấy
mệt không?
Tại sao tường treo đầy tranh ảnh để hứng bụi như thế kia?
Tại sao đóng một đôi dép, cứ phải tới tiệm đó thì mới được? Tại sao phở mà
không phải tiệm đó nấu thì nuốt không trôi? Mua trái cây phải lựa thứ ở miền
đó và mướn người ở cũng phải tìm cho được người ở xứ đó? Thiệt là kiểu
cách.
Bà đã coi những tấm hình chụp trong gia đình Nhật Bản chưa? Đời sống
người Nhật giản dị làm sao! Mà tôi chắc trong nhà họ ít có những lời than thở,
những vẻ mặt quạu quọ hơn trong những gia đình Âu, Mỹ.
Ta không từ chối những tiện nghi của khoa học, nhưng ta cũng nên nhớ câu:
“Cái hình hài làm hại cái thân chí”
Chúng ta ở thời nay, tất cả từ sáng tới tối, không lúc nào rảnh óc, dễ sinh gắt
gỏng, đau gan, đau bao tử, đau tim, mất ngủ, kém ăn, là tại sao? Tại ta muốn
thoả mãn hết những vật dụng mỗi ngày mỗi tăng của ta. Một lẽ nữa ta sợ
những lời dị nghị của thiên hạ. Nhưng ta sống cho ta hay sống cho thiên hạ?
Giản dị hoá cách sống đi, thưa bà, chưa ai làm như bà ư ? Mặc, cứ mạnh bạo
làm rồi người khác sẽ theo. Chúng ta sẽ đưa ra cái “mốt” mới, là “mốt” giản dị.
TÓM TẮT
Cổ nhân khuyên ta sống giản dị cho tâm hồn được thảnh thơi, trong sạch.
Khoa học giản dị hoá dụng cụ và hoá phẩm để đỡ tốn thời giờ, công và của.
Chúng ta nên sống giản dị để có thời giờ nghỉ ngơi, khỏi đau tim, đau bao
tử, mất ngủ, kém ăn và đỡ lo lắng về tài chánh.