TỰA
Các cụ mất hồi đầu thế kỷ, bây giờ có sống lại mà đứng ở đường Lê Lợi tại
Sài Gòn trong các giờ tan sở, chắc phải hoảng lên và la:
- Có giặc cướp hay đám cháy nào thế này? Sao mà thiên hạ chạy tíu tít, vẻ
mặt đăm đăm như vậy?
Chỉ đứng độ năm phút, nhìn lớp sóng người qua lại, nghe tiếng chuông,
tiếng còi, các cụ cũng đủ choáng váng và hồi hộp.
Nếu các cụ lại sống chung với chúng ta một buổi sáng thôi, thấy chúng ta
mới sáu giờ đã dậy tập thể dục, rửa mặt, tắm gội, hấp tấp bận quần áo, húp vội
một ly sữa rồi bổ nhào ra ngoài phố, tới đầu đường, liệng một đồng bạc, giựt
một số báo, leo lên ô-tô-buýt, tới 12 giờ rưỡi mới về, mặt bơ phờ, nuốt mấy
miếng cơm rồi lăn ra ngủ, nếu các cụ thấy như vậy, thì các cụ tất mau mau từ
biệt chúng ta để vào rừng ở, dầu chúng ta có đem hết thảy những tiện nghi, xảo
diệu của khoa học để dụ dỗ, giữ các cụ ở lại, cũng luống công vô ích.
Từ sau đại chiến thứ hai, đời sống chúng ta ồ ạt quá, gần như đời sống tại
các kinh đô ở Âu Mỹ.
Tám giờ sáng một ngày làm việc mà bạn thấy ai vơ vẩn ở bờ sông Sài Gòn,
ngắm mây ngắm nước, tất bạn sẽ ngờ người đó muốn tìm chỗ trầm mình; gặp
ai ung dung tản bộ, ngâm thơ trong một công viên, chắc bạn sẽ bĩu môi chê là
“thi sĩ mơ mộng” nếu không nghĩ người đó mắc bệnh thần kinh, phải đưa vào
nhà thương Biên Hoà.
Chúng ta không còn quan niệm được thú nhàn của cổ nhân nữa. Mỗi ngày
vẫn chỉ có 24 giờ mà công việc thì tăng lên biết bao nhiêu! Công việc tăng vì
nhu cầu tăng. Ta không thể sống như Nhan Hồi với một giỏ cơm, một bầu
nước; ta cũng không thể sống như một cụ đồ nho với vài manh áo kép và đơn.
Nội khoản chi phí về sách báo của chúng ta đủ nuôi một gia đình hồi trước.
Khi ta có thêm một nhu cầu, ta chẳng những mất thì giờ để thoả mãn nó, mà
còn mất thì giờ kiếm tiền để có phương tiện thoả mãn nó nữa. Như nhu cầu hớt
tóc chẳng hạn. Mỗi tuần hoặc nửa tháng ta phải bỏ ra nửa giờ để hớt tóc, lại
phải làm việc thêm một chút để kiếm được 5-10 đồng trả công người thợ. Có
khi một nhu cầu tạo ra ba bốn nhu cầu khác.