- Ông đi chứ, ông làm nến? Tên chỉ huy hỏi.
Người làm nến do dự và lại bước tiếp.
Bóng đen vẫn theo sau, chỉ cách ông ba bước mà không ai nghi ngờ gì.
Mặc dù cảm giác đầu tiên là nơi đây lộn xộn, nhưng người ta nhanh
chóng nhận ra rằng cái tổ mê cung này lại được tổ chức hết sức ngăn nắp. Ở
mỗi đoạn giao nhau lại có đèn chiếu sáng. Những chiếc đèn công suất lớn
này vừa dùng để làm đèn cây cho những đêm không trăng vừa làm cọc tiêu
cho những hôm sương mù.
Đó là những chiếc đèn lạnh lẽo. Đèn được làm từ vỏ hộp đựng đom đóm.
Người ta nuôi đom đóm để phục vụ hai mục đích trên. Có khoảng hai hoặc
ba người nuôi đom đóm nổi tiếng về chất lượng nuôi dạy loại côn trùng này.
Họ thuần dưỡng một lũ đom đóm vốn là niềm ao ước của hết thảy cư dân
còn lại của Đại Thụ, những cư dân từ lâu sống trong nghèo đói và sợ hãi.
Cái tổ trên ngọn cây rất sạch sẽ, những cành cây nhỏ được bào nhẵn,
những đoạn giao nhau được nối chắc bằng thừng chão. Người ta đẽo cầu
thang trên những đoạn đường đi chênh vênh nhất. Lẫn với gỗ và rêu khô,
những cọng rơm tạo thành mạng lưới đường hầm đáng sợ ngay giữa lòng tổ
chim.
Rõ ràng, có một tài năng thông minh hơn người đằng sau tòa thành gỗ
mục này. Một thế giới lạnh lẽo, khô khan nhưng hoàn toàn ngăn nắp. Vậy ai
là kiến trúc sư của tổ chim ở xứ Ngọn Cây? Đó không thể là công trình khối
óc của một con chim.
Khi đến chỏm tổ chim, hai người đàn ông còn nhìn thấy một hình ảnh mê
hồn hơn. Nhờ cơn gió thoảng qua, kỳ quan này hiện ra sau lớp sương mù.
Ba quả trứng sừng sững hướng lên trời, nhẵn nhụi và hồng hồng như má
em bé, cao bằng ba trăm khuỷu tay, hình dáng hài hòa và uy nghiêm.
Chúng giống những cái tháp khổng lồ có đỉnh chạm khối sương mù.
- Những quả trứng! Tên chỉ huy nói, cứ như người kia không thể nhận ra
đấy là những quả trứng.
Họ trèo lên một sườn gỗ mới mục và dừng lại để hít không khí ban đêm.
Trận bão để lại trong không khí một mùi thuốc bột. Họ chỉ còn phải băng