Bất kể bạn nói như thế trong một lá thư hay nói trực tiếp, nó cũng sẽ mở
cánh cửa ra. Bạn vẫn nhớ Roberta và cô con gái 14 tuổi Amanda chứ? Họ
đã cãi nhau kịch liệt về giờ đi ngủ và việc nhắn tin buổi đêm của Amanda.
Roberta đã tát con gái mình sau khi Amanda gọi cô là phù thủy, và Amanda
đã im lặng từ lúc đó. Khi bắt buộc phải trả lời mẹ, cô bé chỉ vâng dạ với
Roberta và rồi làm những gì cô thích (như việc thức quá giờ đi ngủ để nhắn
tin cho bạn). Họ đã lâm vào ngõ cụt và mối quan hệ giữa họ thật tồi tệ.
Roberta đã sử dụng những công cụ tôi miêu tả để mở lại cuộc đối thoại với
con gái. Đây là những gì cô đã miêu tả về cuộc đối thoại đó:
“Mẹ xin lỗi vì đã tát con. Mẹ sai rồi,” Roberta bắt đầu.
“Con xin lỗi vì đã gọi mẹ là phù thủy,” Amanda nhanh chóng đáp lời. “Con
đi được chưa?”
“Chưa đâu. Mẹ cũng muốn xin lỗi vì đã không lắng nghe con. Mẹ muốn nói
về chuyện giờ đi ngủ lần nữa và mẹ...”
“Con không muốn nói về chuyện đó nữa. Con nghe đủ rồi! Con sẽ đi ngủ
vào lúc 11 giờ, thế được chưa?”
“Không hẳn. Mẹ muốn nói về chuyện này theo cách khác. Mẹ không nghĩ
là mẹ đã lắng nghe suy nghĩ của con, mà cứ nói là con sai, rằng đang thời
gian đi học, mẹ là mẹ của con, mẹ hiểu biết hơn, blah, blah.” Roberta đặc
biệt tự hào về cụm “blah, blah” vì cô cảm thấy cô đã đứng đúng ở vị trí của
Amanda khi nói thế, và sau khi cô nói thế, Amanda đã mỉm cười một chút.
“Amanda,” cô nói tiếp: “Mẹ thực sự xin lỗi và mẹ thực sự muốn nghe con
nói.”
“Được rồi mẹ ạ. Chúng ta không cần nói về nó nữa,” Amanda nói, vẫn cố
né cuộc nói chuyện. Nhưng Roberta đã sẵn sàng với một lời hứa quan trọng.
“Chờ chút đã nào. Mẹ còn một điều nữa phải nói và rồi con có quyền nói
hay không tùy con. Mẹ sẽ tùy con quyết định. Được chứ?”