CHƯƠNG I
THÁI SƠN CAO CAO, TRI THỦY ÀO ÀO
Dải đất mênh mông của nước Tề, nước Lỗ thu hút được tầm mắt của mọi
người nhờ ở màu sắc thần bí của mình. Thái Sơn “đứng đầu năm núi lớn”
cũng mọc lên ở mảnh đất này. Dòng Hoàng Hà thai nghén ra dân tộc Hoa
Hạ cũng từ đây đổ vào biển lớn. Hai bậc “thánh nhân” một văn, một. võ
của xã hội phong kiến là Khổng Khưu và Tôn Vũ cũng chào đời trên mảnh
đất này…
Thái Sơn, một quả núi kỳ dị hun đúc khí thiêng và toả hào quang thần
thánh. Nó nuốt Tây Hoa, đè Nam Hoành, cưỡi Trung Tung, vượt Bắc Hằng,
đứng đầu trong mọi quả núi, chiếm địa vị độc tôn trong năm núi lớn.
Thái Sơn, đại biểu cho nền văn minh phương Đông, tượng trưng cho sự
lớn lao và trang trọng. Nó lấy mình làm ranh giới nước Tề, nước Lỗ, phía
đông là biển lớn với muôn vàn sóng bạc, tây dựa vào Hoàng Hà chảy mãi
đến nơi xa, nam có sông Vấn, sông Hoài, sông Tứ, phía bắc một mình một
giải Tri Hà. Phóng tầm mắt ra nhìn thế đất của cả một khu vực ven biển
miền Đông, nó đứng cao nhìn xuống, bỗng trở thành “cây cột phía trời
Đông” mọc trên miền đồng bằng muôn dặm. Ở đây khí hậu ôn hoà, đất đai
màu mỡ là vùng trung tâm nảy nở sinh sôi và chung sống của loài người cổ
đại, là nơi bắt nguồn quan trọng của một nền văn hoá cổ xưa. Đã mấy ngàn
năm, ở đây luôn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của phương
Đông. Đầu đời nhà Hạ, vua Vũ chia đất nước thành chín châu, năm châu là
Ký, Dự, Thanh, Duyễn, Từ đã quây quần xung quanh nó. Thời thất hùng
Chiến quốc, đây lại là kinh đô của Lục quốc…
Thái Sơn được xây đắp bằng những câu chuyện thần thoại đẹp đẽ mà xúc
động. Sau khi ông Bàn Cổ (người khai thiên lập địa ở thời viễn cổ, là vị
thần sinh ra vạn vật) chết đi, thì đầu là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc,
cánh tay trái là Nam Nhạc, cánh tay phải là Bắc Nhạc, chân là Tây Nhạc.