Gia đình xuất thân nhà nông và theo nho học. Ông thân sinh là Hoàng Văn
Cự làm hương chức, qua đời năm 54 tuổi. Bà thân mẫu Phạm Thị Khuê thọ
88 tuổi, tần tảo làm ruộng và chăn tằm, nuôi dạy con cái. Gia đình có 11
người con, 8 trai, 3 gái. Gần xa trong tỉnh, anh em Hoàng Diệu nổi tiếng
hiếu học và học giỏi. Lớn lên 6 người đỗ đạt: một phó bảng, 3 cử nhân và 2
tú tài.
Khoa thi hương tại Thừa Thiên năm 1848, Hoàng Kim Giám, 23 tuổi và
Hoàng Kim Tích, tức Hoàng Diệu, 20 tuổi cùng đỗ cử nhân. Hoàng Kim
Giám không ra làm quan, qua đời năm 34 tuổi. Hoàng Diệu, 25 tuổi thi
đình đỗ phó bảng (1853).
Trên các bước đường làm quan, theo Đại Nam chính biên liệt truyện,
Hoàng Diệu được đánh giá là một vị quan "tính tình cương trực, thanh
liêm, lâm sự quyết đoán, có phong độ bậc đại thần"…
Bởi thế cho nên, suốt 30 năm làm quan lớn ở nhiều nơi mà cảnh nhà vẫn
thanh bạch, nghèo túng.
Một khía cạnh đáng quí khác nữa, đó là tại các nơi ông cai quản trật tự xã
hội rất nghiêm minh, không có tình trạng nhũng lạm, trộm cướp hay
chuyện áp bức dân lành.
Vua Tự Đức đã khen Hoàng Diệu rằng: "Chăm lo cho dân Bắc Hà, ngoài
Hoàng Diệu ra không ai hơn"..
II. Thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai(1882):
Đầu năm 1880, Hoàng Diệu nhận chức tổng đốc Hà Ninh kiêm trông coi
công việc thương chánh. Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc
bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, biên phòng.
Năm 1882 thấy binh thuyền nước Pháp tự nhiên ra Bắc, ông e ngại lắm.