Hạnh miễn cưỡng cầm gói kẹo theo y tá Nga đẩy bệnh nhân vừa phẫu thuật
xong sang phòng hậu phẫu. Có mấy bệnh nhân vừa rời khỏi phòng hậu
phẫu chuyển đi các khoa hồi chiều, nên giờ này phòng đang bỏ trống. Gian
phòng rộng có đến hơn chục chiếc giường bệnh mà không có bệnh nhân,
quả là vắng vẻ im lặng lạ thường.
Y tá Nga đẩy xe bệnh vào vị trí, xem xét lại bình dịch truyền và gắn lại dây
theo dõi tim mạch cho bệnh nhân xong, nói liền:
- Bác sĩ Hạnh cứ ngồi đây một lát, em sẽ sang ngay. Em khoái tính tình
hiền lành, ít nói của bác sĩ, chớ bà Cúc thì nói nhiều quá, phát nhức đầu với
bả!
Cô ta lại dúi vào tay Hạnh một gói bánh ngọt:
- Bác sĩ đừng nghe lời bà Cúc, ăn chua cũng phải có chút ngọt vào thì cái
bao tử nó mới chịu nỗi! Đêm nào em cũng ăn như vậy!
Nhìn tướng đi phục phịch của cô ta và khuôn mặt bầu bĩnh, Hạnh thầm
nghĩ: “ăn ngọt suốt như vậy bảo sao không mập!”.
Đồng hồ trên tường chỉ hai giờ ba mươi phút. Hạnh lần đầu tiên biết được
cái cảm giác thức đêm bên cạnh cái sống và chết của con người. Nhìn lại
người bệnh mà lúc bắt đầu phẫu thuật, Hạnh có biết đó là một bệnh nhân
nam, mà lúc này thì không thể nhận ra anh ta là ai. Bởi vậy, bác sĩ Tuyền
nói lúc chiều là nghề bác sĩ là nghề sống với ma, gần với quỷ, đâu có sai.
Bất chợt bệnh nhân ườn người lên, khiến cho chiếc giường bệnh bị lắc lư,
Hạnh hốt hoảng, cổ vừa chạy lại gần, nhưng chưa biết phải làm sao. Việc
non kinh nghiệm trong nghề nó tai hại vậy đó.
- Ai... có ai...
Cô định kêu lên, nhưng chợt nghĩ, nếu kêu như vậy thì còn gì vị thế một
bác sĩ. Không kịp suy nghĩ thêm, Hạnh hành động theo bản năng, cô đưa
tay mình chụp vào bàn tay vấy đầy máu khô của bệnh nhân. Làm việc này
Hạnh chỉ nghĩ đơn giản là giữ cho bệnh nhân bớt cử động. Thật ra đó là
một phương pháp sai trong ngành y. Nhưng chẳng hiểu thế nào, người bệnh
không ưỡn người nữa.