thét to như người điên dại. Chú Y Kngơn kể tiếp:
- Từ hôm qua tôi vẫn giấu điều này: Khi cậu Quý đi tắm suối không về, tôi
đã nghi và hỏi cha mẹ cô ấy thì họ thú nhận là Hơ Kleng đi lội suối và chết
đuối cách đó hơn hai tháng. Sở dĩ họ không nói thiệt là vì theo tục lệ bản
làng của họ, thì một khi có con gái bị chết trẻ, chết ở sông, suối tức là đã bị
thuỷ thần, hà bá bắt hồn và hồn phách đó sẽ mãi mãi lang thang, đói khát ở
nơi đã bị chết, nếu không có người đến thế mạng. Cậu Quý này đã tới tắm
suối một cách vô tình và đã gặp hồn ma của Hơ Kleng và bị cô ấy bắt đi.
Ngay chiều hôm đó, thì Thuận từ Sài Gòn lên tới theo điện nhắn của cha
mẹ anh. Thuận là người rất cực đoan, anh không bao giờ tin chuyện ma quỷ
nhảm nhí, nên khi nghe kể chuyện, anh đã cực lực phản đối. Anh bảo Thủy
Tiên:
- Em giúp anh đưa ngay Quý vào bệnh viện.
Từ bệnh viện Ban Mê Thuột, Quý được chuyển về Sài Gòn. Suốt một tuần
sau anh vẫn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, miệng lúc nào cũng kêu gào
tên cô gái rừng.
Cũng may, qua đến ngày thứ tám thì Quý đã có dấu hiệu hồi phục. Anh tỉnh
táo hẳn khi nhận ra người vừa ngồi bên giường bệnh:
- Em vất vả vì anh quá, Thủy Tiên…
Cái xiết chặt tay của cô gái làm cho Quý cảm động, tự dưng anh thấy gần
gũi nhiều hơn với người mà anh chỉ mới gặp một lần hôm mới rời thành
phố Tây Nguyên.
Chính Thủy Tiên cũng có cảm giác ấy, cô nhìn Quý như ngầm động viên:
“hãy khỏi bệnh nhanh lên”. Họ nhìn nhau như muốn nói điều gì đấy.
Cho đến nhiều tháng sau chẳng hề nghe Quý nhắc gì đến tên cô gái rừng
Hơ Kleng. Người vui nhất không phải là Quý mà chính là Thủy Tiên. Từ
Ban Mê Thuột cô điện thoại xuống Sài Gòn dặn Quý:
- Anh đừng lên đây, chờ em xuống sẽ nói chuyện nhiều.
Trong thâm tâm Thuỷ Tiên cô chẳng bao giờ muốn Quý đặt chân lên nơi
mà theo cô sẽ gợi nhớ chuyện không hay, nhất là chuyện Hồn ma rừng theo
lời kể của chú Y Kngơn. Dù không tin chuyện ma ám đó, nhưng sao trong
lòng Thủy Tiên vẫn lo lo...