- Liên tục nhiều ngày qua, đêm nào hồn phách chị Hoa cũng về gọi cửa. Ba
em tức giận, nên đã lớn tiếng chửi bới và rồi phải lãnh hậu quả, cả nhà bị
hộc máu mà không rõ nguyên do.
- Trời ơi!
Tịnh Tâm chỉ kêu trời rồi ngồi im, mắt nhìn lên đỉnh núi. Út Xuân tiếp lời:
- Sự việc xảy ra quá đột ngột nên ba em và em bị sốc, nghĩ rằng chính anh
làm cho chị Như Hoa mê muội, đến nỗi chết rồi mà còn về chống lại gia
đình. Em lên đây hôm nay là để quyết tâm đem xác chị ấy về, nào ngờ...
Tịnh Tâm dìu Xuân đứng lên:
- Có lẽ cô Út về am nghỉ ngơi, đợi khỏe rồi tôi sẽ dẫn cô ra thăm mộ Như
Hoa. Tôi cũng không cản, nếu cô thấy cần đem hài cốt của Hoa về…
Út Xuân vẫn hướng lên đỉnh núi:
- Không sao đâu, anh cho em lên trên đó thăm mộ.
Trước sự cương quyết của cô, thầy Tịnh Tâm phải dìu cô từng bước, đi theo
con đường mòn. Đúng ở giữa đỉnh núi, trong một hốc đá to, có một ngôi
mộ được xây bằng đá rất gọn gàng. Có một bia được đục thẳng vào vách
đá, ngoài dòng chữ ghi họ tên người chết, bên dưới là nhiều chữ chi chít
giống như một áng văn bia. Út Xuân đọc thấy ngay tên chị của mình: “Nơi
an nghỉ của Như Hoa chết vào một đêm mưa gióthê lương...” và bên dưới
là từng dòng chữ rõ ràng, được đục, khắc rất công phu: “... Nàng đã chết
chỉ bởi yêu người không được gia đình chấp nhận. Người nàng yêu là một
thầy giáo nghèo, không thân thế, sự nghiệp, chỉ có tấm lòng và con tim
cháy bỏng. Nàng chết sau trận đòn roi quá nặng và còn bị trói vào cột
ngoài trời mưa gió. Người cha có lẽ cũng không nhẫn tâm, ông thương con,
nhưng vì quá thành kiến, quá khắt khe, nghĩ rằng phải mạnh tay để con gái
từ bỏ mối tình riêng... Nào ngờ chính trận đòn roi đó đã vĩnh viễn đưa nàng
đi mãi mãi về một nơi mà nàng không muốn đến...”
Út Xuân đọc rất chậm những dòng chữ trên bia. Đọc đến đâu cô khóc đến
đó. Sau cùng cô gục xuống mộ và khóc ngất. Đợi cho cơn xúc cảm của
Xuân lắng xuống, Tịnh Tâm mới đưa cho cô một nén nhang vừa mới đốt: