Tự nhiên lão trách mình trước kia không nghĩ đến chuyện xin một đứa con
nuôi, biết đâu thằng Quang xồm và lão lại có duyên làm cha con thì chắc
chắn lão sẽ không để nó hư hỏng dù cuộc sống có khó khăn hay phức tạp.
Ông trời cũng trêu ngươi cho ta quá, kẻ cần thì không có, chỗ chẳng muốn
thì lại ban... Chỉ tội nghiệp cho bà vợ già của lão nhiều lúc phải tủi hổ khóc
thầm vì hoàn cảnh đơn côi. Không biết bây giờ nhận con nuôi có còn kịp
nhìn thấy nó lớn?
Ý tưởng ấy làm lão Tâm nghe vui nên sức lực bỗng phục hồi. Lão rời khỏi
chỗ nằm xuống nhà bếp tự múc cháo ăn rồi dò dẫm ra đường.
Nắng làm cho lão hoa mắt khi lão đụng phải một người đàn bà có dáng dấp
bầy hầy và hôi hám. Thế nhưng lão không hề bị mắng mà còn nhận được
nụ cười đầy quái đản:
- Hì… hì... tui sẽ không làm khó nếu như ông cho tui xin ít tiền.
- Trời.
Đúng là một kiểu bắt vạ đầy tế nhị và khôn ngoan. Lão Tâm muốn dừng lại
châm cho mụ đàn bà này vài câu song cái mùi hôi của kẻ lâu ngày không
tắm rửa đã khiến lão từ bỏ ý định. Lão cho tay vào túi mò mẫm mãi mới lôi
ra được tờ giấy bạc rách góc, đã cũ mèm:
- Có thế này, xài được thì nhận lấy.
Người đàn bà nhìn lướt qua, ánh mắt tối sầm lại:
- Gặp người keo kiệt như ông thì bọn ăn mày tụi tui chết đói nhăn răng hết
còn gì.
Lão Tâm đành phải nán lại, giọng kêu lên ngỡ ngàng:
- Ăn mày đòi móc túi ăn xin tổ trác là phải rồi. Ta không phải dân nhà
giàu... mụ đã chọn lầm đối tượng.
Người đàn bà áp cả khuôn mặt rất khó coi của mình tới thật gần lão Tâm
làm cho lão phải nhăn mũi quay đi.
- Ủa, ông cũng là ăn xin ư?
Lão Tâm đáp bằng thái độ khó chịu:
- Nếu phân giai cấp thì ta cao hơn mụ một bậc.
- Ông nói năng khó hiểu...
- Mụ cứ hiểu đại để là nhà nghèo được rồi.