Chủ nghĩa Makeno
Mỗi năm nước ta có 130-160 ngàn người mắc bệnh ung thư, số
liệu được công bố tại Hội thảo do Hội Ung thư Việt Nam tổ chức
ngày 16/10/2014 vừa qua. Vậy là cứ mỗi năm, số người mắc căn
bệnh “phải chết” này bằng dân số một thành phố nhỏ thuộc
tỉnh. Và cứ mấy năm sau, dân số tương đương một thành phố
nhỏ như vậy sẽ bị xóa sổ, là người Việt với nhau, bạn có cảm thấy
đau lòng? Xuống An Giang thăm anh Thìn, một nông dân trồng
rau, Tony thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Thìn nói: “Cái đó
để cắt bán, nhà trồng để ăn bên này, chú ăn thì cắt bên này”. Như
vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn ra chợ bán cái khác.
Nói rồi anh Thìn uống ngụm café, ngồi nhìn “cánh đồng bất
tận” trước mặt, không rõ nghĩ gì. Tony xuống chợ Kim Biên, thấy
“hương café tổng hợp” là mặt hàng bán chạy nhất. Anh Trung, chủ
một sạp ở đây nói với Tony, mấy cơ sở rang café nói, nếu không bỏ
cái này vô, café không dậy mùi thơm, không bán được. Rồi chỉ vào
mấy thùng LAS (chất tạo bọt trong nước rửa chén), họ cũng mua
cái này nữa nè em, không có LAS sao có bọt. Rồi rang phải cháy
đen cháy đỏ, bỏ bơ, nước mắm... để có màu và đậm đà gu Việt. Mà
nào chỉ có café. Bún phở gì cũng đầy hóa chất, khái niệm “bún
thiu” không còn nữa, khi bún bây giờ để cả tuần vẫn không bị mốc,
bị chua... Anh nói, anh có bao giờ uống café và ăn bánh bún gì
ngoài đường đâu. Sợ lắm. Sợ nhưng vẫn bán. Đó là việc kinh doanh
của anh. Tony Cũng sợ, nhưng vì thèm uống café vào buổi sáng nên
phải mua café Arabica về tự rang tự xay, pha loãng toẹt và cảm
thấy yên tâm. Mỗi lần ra quán, nhìn những li café sóng sánh đen
ngòm kia, Tony cảm thấy bất an. Dù bạn bè cứ khuyên, thôi kệ,
mắt không thấy là được, cũng sống có là bao. Tony đi ăn ở hàng
miến gà trên phố Hàng Mành, do chị N., một người quen, mở bán.