rắn, hố tuyết chẳng được mấy cái, dấu chân cũng rất ít, chứng tỏ đàn dê
chạy thoát khá nhiều.
Tay chăn cừu Tang Kiệt nói: Cháu thấy lũ sói cũng có chỗ tính chưa hết.
Giá như sói chúa điều thêm quân bịt con đường này lại, thì đàn dê không
con nào chạy thoát.
Ông già hừ một tiếng, nói giọng mũi: Cậu mà là sói chúa chắc chết đói. Bắt
một lần hết sạch thì sang năm kiếm đâu ra dê? Sói không tham như người,
sói biết tính toán, sói tính giỏi hơn người.
Tang Kiệt cười: Năm nay dê nhiều, bắt thêm vài nghìn con cũng không ăn
nhằm gì. Cháu muốn kiếm thêm ít tiền sắm căn lều, cưới vợ.
Ông già trợn mắt quát: Vậy khi con cháu cậu lớn lên thì đà dê đã bị giết
không còn một con. Thanh niên các cậu lạ thật, ngày càng như dân ngụ cư
ấy!
Ông già thấy đám phụ nữ đã dỡ các thứ trên xe xuống và cho xe xuống
rãnh, liền bước lên một mô tuyết, ngửa mặt lên trời, miệng lầm rầm khấn.
Trần Trận đoán ông đang cầu trời cho phép kéo dê vàng lên. Ông nhắm cả
hai mắt, lát sau mở ra, bảo mọi người: Dê chìm dưới đáy nhiều lắm, đừng
tham quá, hãy thả hết những con còn sống rồi thu hoạch những con đã chết.
Trời đã không bắt chúng chết thì ta nên để chúng sống. Ông già cúi bảo
Trần Trận và Dương Khắc: Thành Cát Tư Hãn mỗi lần vây bắt dề đều thả
bớt non nửa. Người Mông Cổ đánh vây đã mấy trăm năm, vậy mà năm nào
cũng có dê để bắt, chính là học từ sói, không bắt hết.
Ông già Pilich phân chia địa bàn hoạt động cho các gia đình. Theo quy ước
mọi người nhường đoạn gần và có nhiều hố cho ông già Pilich và thanh
niên trí thức Trần Trận.
Ông già dẫn Trần Trận và Dương Khắc đến bên xe nhà, dỡ xuống hai tấm
thảm dày, mỗi tấm rộng hai mét, dài bốn mét. Hình như trước đó thảm được
phu nước, cứng queo. Trần Trận và Dương Khắc mỗi người lôi một tấm,
tiến lên. Ông già vác chiếc sào gỗ dài, đầu sào lồng móc sắt. Vợ chồng
Batu cũng mỗi người xách một tấm thảm dày đi tới chỗ tuyết sâu. Bé
Bayan vác chiếc câu liêm, đứng sau lưng bố mẹ.
Đến bên một hố sâu, ông già bảo hai cậu thanh niên trước hết trải một tấm