Sóng cỏ dập dờn trước gió thu, lượn từ đường biên phòng tới trước xe gíp.
Cỏ lút cả bốn bánh xe. Hai xe như hai ca nô lướt trên biển cỏ. Trần Trận thở
ra khoan khoái: Cỏ rậm thế này đừng hòng gặp sói, có dùng kính viễn vọng
cũng vô ích.
Trần Trận một lần nữa trào lên tình cảm thân thiết đối với sói thảo nguyên
và các mã quan. Cái đẹp tưởng như thuần nguyên thủy, thuần tự nhiên của
thảo nguyên, thực tế là do sói thảo nguyên và các mã quan năm này sang
năm khác bảo vệ bằng mồ hôi và máu. Vẻ đẹp nguyện thủy của thiên nhiên
chứa đựng bao nhiêu sức người sức sói trong đó. Mỗi khi tuyết xuống, mỗi
khi mục dân lùa đàn gia súc vào đồng cỏ mùa đông, đều cảm thấy đây là ân
trạch của sói ban cho con người. Họ thường hát bài ca thảo nguyên, giọng
run rẩy và dài lê thê như tiếng tru của sói.
Hai xe chạy như bay, các xạ thủ có vẻ say nhưng họ vẫn giương ống nhòm
tìm kiếm da sói và thịt sói. Trần Trận vẫn suy nghĩ miên man. Cậu ung
dung chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên thủy của thảo nguyên trước khi người
và gia súc đặt chân tới. Lúc này trên đồng cỏ mênh mông không một sợi
khói lẻ loi, một con ngựa, một con bò, một con cừu. Đồng cỏ mùa đông
được nghỉ ngơi đã hơn nửa năm, tuy xanh tốt bời bời nhưng vắng hơn cả
đồng cỏ mùa xuân cho cừu đẻ. Đồng cỏ mùa xuân có rất nhiều chuồng cừu
xây bằng đá, chuồng đất, nhà kho, và cần giếng cao cao, vết tích của con
người chỗ nào cũng thấy. Còn như đồng cỏ mùa đông, người và gia súc ăn
tuyết, không cần nước giếng; đến mùa đông gia súc đã lớn, không cần
chuồng trại, chỉ cần xe bò, hàng rào cơ động và những tấm thảm lớn quây
hình bán nguyệt che gió cho đàn cừu thay chuồng. Do vậy lúc vào thu,
đồng cỏ mùa đông tĩnh tại, không vết chân người, khôg vết chân gia súc,
không một công trình xây dựng, chỉ có cỏ trâm mao bạt ngàn nhấp nhô như
sóng. Nếu như xuất hiện Gơrigôri với chiếc mũ lông Cadắc màu đen trên
đầu thì cậu không nghi ngờ sau lưng anh là thảo nguyên sông Đông đẹp
đến mê mẩn. Từ hồi học sơ trung, Trần Trận đã xem ba lần truyện và phim
“Sông Đông êm đềm”. Sau đó, khi rời Bắc Kinh, cậu đem theo tiểu thuyết
“Sông Đông êm đềm” và những thứ liên quan lên thảo nguyên Ơlôn.
“Sông Đông êm đềm” là một trong những động lực thúc đẩy Trần Trận lên