thảo nguyên Ơlôn. Trần Trận mê thảo nguyên Mông Cổ là do sói và người
thảo nguyên Mông Cổ tha thiết yêu tự do, chiến đấu vì tự do. Vì đâu thảo
nguyên có sức hút mạnh mẽ đến như thế, khiến la bàn tình cảm của cậu
luôn chỉ về phương ấy? Trần Trận thường cảm thấy thảo nguyên đang run
rẩy kêu cứu, khiến tự nơi sâu thẳm của tâm hồn cậu vang lên cộng hưởng,
thần bí hơn, sâu đậm hơn sự cộng hưởng tâm linh giữa mẹ và con. Đó là sự
cảm ứng tâm linh với tổ mẫu, tằng tổ, thái tổ và thủy tổ xa hơn xưa hơn, từ
đáy lòng, sự vị cảm tri bỗng bật lên thành tình cảm đối với tổ tiên xa lắc.
Trần Trận nhìn thảo nguyên thanh vắng như kẻ mộng du, cậu như trông
thấy tổ tiên nhân loại thời tiền sử mông muội. Các bậc thầy thường dạy:
Đứng thẳng và lao động sáng tạo ra loài người. Vậy người vượn đứng
thẳng trong rừng hay trên thảo nguyên? Đây là một câu hỏi liên quan rất
sâu đến “đất tổ”.
Trần Trận đã hai năm “kết bạn” với thú dữ trên thảo nguyên. Theo cậu,
người vượn không thể đứng thẳng trong rừng, vì rằng ở rừng, hai chi trước
càng quan trọng, càng phải phát triển. Trong rừng, muốn nhìn xa, phải trèo
lên cao; muốn tránh mãnh thú, càng lên cao nữa; muốn hái lượm cũng phải
dựa vào chi trước; quan trọng hơn nữa, muốn giải quyết vấn đề tốc độ trong
rừng, phải dựa vào hai chi trước để “đi”. Công dụng của chi trước và vai
người vượn lớn như thế, nên chi sau không thể phát triển, chi sau chỉ là cơ
quan bổ trợ cho chi trước, nó đảm nhiệm công việc nặng nề đi đứng dưới
đất. Vì vậy ở trong rừng, người vượn không thể và không cần thiết phải
đứng thẳng.
Sau đó, do động vật sinh sôi nảy nở, rừng chật, thức ăn ngày càng ít, hoàn
cảnh khốc liệt đẩy một bộ phận người vượn ra khỏi rừng, buộc phải sống
trên đồng cỏ, hoàn cảnh sinh sống mới bắt đầu cải tạo công dụng chi trước
chi sau của người vượn. Một mặt thảo nguyên đầy nguy hiểm, sói phục hổ
rình, mà lại không có điểm cao để trèo lên, người vượn muốn có tầm cao
trong bụi cỏ để quan sát kẻ thù và con mồi, buộc phải đứng lên; mặt khác,
thảo nguyên không có cây cối để leo trèo, chi trước của người vượn dùng
để “đi” nhanh trở nên vô dụng, thảo nguyên buộc chi sau của người vượn
phải khỏe, to, rắn chắc lên. Trải qua vài chục vạn năm liên tục sử dụng chi