Ông già giận đỏ mặt. Trần Trận căm bặt, biết là mình đã xúc phạm tới điều
thiêng liêng nhất trong lòng ông già, xúc phạm linh vật của các dân tộc thảo
nguyên. Nhưng đã lỡ miệng mất rồi.
Ông già trừng mắt, nói như quát: Thế cỏ có phải sinh mạng không? Thảo
nguyên có phải sinh mạng không? Cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn, tất
cả những thứ khác là sinh mạng nhỏ. Sinh mạng nhỏ sống nhờ sinh mạng
lớn. Sói và người đều là sinh mạng nhỏ. Những con ăn cỏ đáng ghét hơn
những con ăn thịt. Cậu thương lũ dê vàng, thế cậu có thương cỏ không? Dê
có bốn chân, chạy rất nhanh. Nó mà chạy, sói rượt đứt hơi cũng không kịp.
Dê khát thì ra sông uống nước, rét thì lên đầu dốc mà sưởi nắng. Còn cỏ thì
sao? Cỏ tuy mạng lớn nhưng phận quá mỏng, quá khổ! Rễ thì nông, đất thì
mỏng, sống trong đất, có chạy cũng không quá nửa thước, có bò cũng
không quá ba phân, ai cũng có thể giẫm, có thể đạp, có thể ăn, có thể gặm,
có thể hành hạ, một bãi nước đái ngựa cũng đủ chết cả một mảng! Cỏ mọc
trên cát hoặc trong kẽ đá mới đáng thương làm sao, không nở được hoa,
không gieo được hạt. Trên thảo nguyên đáng thương nhất là cỏ. Người
Mông Cổ thương yêu nhất, đắm đuối nhất là cỏ thảo nguyên. Nếu bảo là sát
sinh, dê tàn sát cỏ còn dữ hơn máy cắt cỏ. Dê ăn trụi cỏ thì là gì nếu không
phải là sát sinh, là sát hại sinh mạng lớn thảo nguyên? Trên thảo nguyên,
sinh mạng lớn bị giết thì các sinh mạng nhỏ cũng chết sạch. Khi đã thành
cái họa thì dê vàng đáng sợ hơn sói. Thảo nguyên có hoạ trắng, họa đen,
còn có hoạ vàng. Xảy ra họa dê vàng có khác gì dê ăn thịt người!
Chòm râu lơ thơ của ông già run lên, run hơn con dê trước mắt.
Trần Trận xúc động sâu sắc, mỗi lời ông già như tiếng trống xung trận,
khiến cậu choáng váng, tim đập thình thịch. Cậu cảm thấy dân tộc thảo
nguyên không những hơn hẳn dân tộc nông canh về tri thức quân sự, về
tính cách kiên cường dũng cảm, mà về một số quan điểm cũng hơn hẳn. Cái
lô gíc cổ xưa của thảo nguyên đã bó chặt tộc ăn thịt và tộc ăn cỏ, là nguyên
nhân sâu xa của những trận chém giết khốc liệt hàng ngàng năm nay. Lời
ông già chính xác và sâu sắc đến nỗi giỏi biện luận như Trần Trận cũng
cứng lưỡi, không cãi lại được câu nào. Ông như thảo nguyên Mông Cổ so
với đồng bằng Hoa Bắc, trình độ chêch lệch rõ rệt. Trần Trận với những