đáng được yêu thương. Không yêu thương sao được khi đền Luxor bé
nhỏ này đã từng bị chôn vùi bởi cát sa mạc, bị đốt cháy bởi Thiên
Chúa giáo, bị phá nát bởi người Ả Rập. Dù bầm dập vậy, đền vẫn
đứng rất hiên ngang mà ôm đầy sự lộn xộn.
Khi bước vào đền, điều đầu tiên đập vào mắt là sự bành trướng của
những nhà nguyện Hồi giáo (dù là phần được thêm vào cuối cùng).
Không phải người Hồi giáo không trân trọng tác phẩm cổ đại, mà họ
chỉ ngây thơ nhiệt tình thành vô tình phá hoại. Khi Nile dâng nước lên,
phù sa phủ ngập, rồi gió cát sa mạc tràn lên, giấu kín ngôi đền trong
câm lặng. Người Hồi giáo tới, bắt tay xây dựng nhà nguyện của họ
trên mảnh đất bằng phẳng này. Bình yên cho tới một ngày họ thấy có
những tượng đầu người trồi lên khỏi lớp cát. Không chịu được sự
phiền phức này, họ chém tan mấy đầu tượng mà không ngờ rằng bên
dưới đó là cả một thế giới kỳ vĩ.
Những bước tượng câm nín. Nhưng chúng đã khiến cả Ai Cập phải
chú ý. Các chuyên gia khảo cổ đã đào xới và đưa lên một đền đài nguy
nga, với 10 tượng Ramses II khổng lồ đứng, ngồi, đội mũ miện hay
mũ chiến tranh (mũ chiến màu xanh còn mũ miện màu trắng đỏ là sự
kết hợp của mũ trắng của vùng hạ và mũ đỏ của vùng thượng Ai Cập).
Chen giữa những cây sậy đá cao lớn, những tượng đá dù mất đầu vẫn
vẹn nguyên vẻ oai hùng. Sau lưng người con thần Ra, tượng của
Amenhotep III, của Tutankhamun cùng vợ, và một căn phòng hàng
trăm cây cột như một hồ sậy đá nở rộ. Người Ai Cập dựng cột, dựng
đền, dựng cả huyền thoại.
Đền Luxor này có ba gian chính. Gian cuối dành làm nơi ở của các
vị thần khách khứa trong lễ Opet, nhưng đã bị Alexander đại đế chen
ngang, xây ngay một buồng nhỏ ở giữa phòng để dâng tặng thần
Amun. Gian phòng này nằm ngay sau gian phòng của vợ chồng thần
Amun. Còn gian ngoài cùng nơi chứa thuyền mặt trời, có thời bị dân