hồng, đặc biệt nhất là hai bên cờ còn có hai dải đuôi nheo cũng màu
hồng, như hai bím tóc thiếu nữ.
Năm cô gái dưới ngọn cờ nổi bật giữa một đám trai tráng. Các cô mặc áo
chẽn trắng viền đỏ, đầu chít khăn đỏ, eo thắt dây lưng đỏ, nai nịt gọn
gàng anh khí hừng hực, chính giữa có một cô gái quặp hai chân đứng
tấn, thê tấn vững chãi, mắt nhìn thẳng ra giữa hồ, hai tay cầm dùi điểm
từng hồi trống thất tinh khỏe khoắn mạnh mẽ; hai cô bên cạnh cầm
chiêng khua hòa theo tiếng trống; một cô cầm cờ; còn cô đứng gần bờ
nhất không ngừng đốt pháo tăng thêm uy thế. Nhìn bè tre dưới ngọn cờ
Quan Lộc chen chúc toàn là sư tử, xem ra đây là chiếc bè có nhiều sư tử
nhất trong số mười tám bè tre.
Giữa bè có ba con sư tử gấm lông trắng râu đỏ nhảy chồm bốn phía,
không ngừng húc ngã những con khác xông lên bè mình, từng bước tiếp
cận Tửu trình thanh giữa hồ.
Tạo hình của Nam sư đa phần đều vẽ theo mặt nạ Lưu Bị, Quan Vũ,
Trương Phi trong Tam Quốc diễn nghĩa, “sư tử Lưu Bị” mặt vàng mày
trắng râu trắng; “sư tử Quan Vũ” mặt đỏ mày đen râu đen, cộng thêm
mắt tím mũi xanh; “sư tử Trương Phi” mặt đen râu đen, mũi xanh mắt
xếch lên tận mang tai, còn có hai chiếc nanh dài, ngoại hình hung ác
nhất. Ba kiểu tạo hình này đã được truyền từ đời này qua đời khác, thông
thường không thể tùy tiện sửa đổi, chỉ vẽ sai một điểm trên mặt sư tử
cũng có thể bị người ta chê cười. Nhưng ba đầu sư tử gấm lông trắng
đang tranh đấu giữa hồ lại mang mày đỏ râu đỏ,
mũi hồng mắt hai tròng, bên riềm thân còn thêu một vòng lông nhung
hồng phấn, tạo hình không thuộc bất kỳ điển cố nào, song lại nổi bật nhất
trên mặt hồ.
Có lẽ do đầu và hình thể của ba con sư tử lông trắng này hơi nhỏ hơn các
con khác một chút, cũng có thể do màu trắng quá hút mắt, đội sư tử của
các thôn khác đều tới tấp nhảy lên bè Quan Lộc, tranh nhau đánh bại ba
con sư tử trắng trước, lúc này đội sư tử Quan Lộc đã trở thành mục tiêu
công kích, trung tâm của cuộc hỗn chiến trên mặt hồ không còn ở Tửu
trình thanh nữa, mà là trên bè Quan Lộc.