Qua vùng hải đảo, nhiều nhóm dân ở đây đã tiếp xúc với văn minh Ấn độ
rất sớm qua các thương gia Ấn, do đó ngay từ thời kỳ đầu Công nguyên
người ta đã ghi nhận được một số tổ hợp rải rác từ nam bán đảo Mã Lai tới
Java. Sử sách Trung hoa còn ghi chép về một sứ đoàn do vua Devawarman
ở Java gửi tới kinh đô Trung quốc vào năm 132.
Trong giai đoạn đầu, vương quốc tiếng tăm nhất lịch sử ở vùng này là
Srivijaya, phát xuất từ Palambang đảo Sumatra. Một vài quốc hiệu khác
cũng thường được đề cập tới như Malayu cũng ở Sumatra, Taruma, Kalinga
ở Java, nhưng dường như không mấy quan trọng.
Tới thế kỷ 7 và 8, Srivijaya tiến đến mức cực thịnh. Ảnh hưởng của vương
quốc này không những bao trùm hết Sumatra, tây và trung bộ Java, mà còn
hầu khắp bán đảo Mã Lai. Srivijaya kiểm soát hoàn toàn hai eo biển chiến
lược Malacca và Sunda, nên đồng thời chế ngự đường hàng hải từ Trung
hoa sang Ấn độ. Năm 767, Srivijaya đã đem chiến thuyền lên vịnh Bắc Việt
và tiến sâu vào sông Hồng tấn công quân đô hộ nhà Đường làm cho kinh
lược sứ Trương Bá Nghi nhân đấy phải đắp La Thành để phòng ngự. Năm
772, triều đại Sailendra đã xây đền Borobudur, một ngôi đền kỳ lạ bao phủ
từ chân đến ngọn đồi với 400 tượng Phật và năm cây số hành lang chạy
vòng lên đỉnh. Sang thế kỷ 8, Srivijaya lại can thiệp vào lục địa trong việc
giúp Jayavarman II cầm quyền ở Chân Lạp, và nhờ đó Chân Lạp nhỏ bé đã
chuyển mình để thành đế quốc Angkor hùng cường.
Tới thế kỷ 13, tên Srivijaya không còn được nhắc nhở tới nữa. Người ta
cũng chưa biết rõ vương quốc này đã sụp đổ hay cải danh trong trường hợp
nào. Trong khi đó thì cái tên Malayu, một thuộc quốc cũ của Srivijaya, lại
nổi bật lên. Năm 1292 khi ghé Sumatra trên đường về Âu châu, Marco Polo
đã ghi nhận Malayu là quốc gia duy nhất còn tồn tại ở đó.
Trở về Java, triều khi triều đại Phật giáo Sailendra di chuyển trung tâm
chính trị sang nam Sumatra, Ấn giáo lại bắt đầu hưng khởi lên ở nhiều tiểu
quốc vùng trung và đông đảo này. Tiểu quốc được biết đến nhiều nhất vào