Ngược lên vùng tây bắc Đông Nam Á, quốc gia Srikshetra của người Pyu
về sau bị bộ tộc Miến từ phương bắc tràn xuống lấn lướt mất. Quốc gia đầu
tiên do người Miến lập ra cũng ở lưu vực Irrawaddy vào năm 949, kinh đô
là Pagan. Dưới thời Anawrahta (1044-1077), đất Miến được bành trướng
rất rộng nhờ những cuộc chinh phục đất đai chung quanh của người Pyu,
Môn và Shan. Từ sau thời Anawrahta, người Miến được sống yên ổn đã
phát triển văn hóa Phật giáo tới mức cao độ và đã xây ngôi chùa đầu tiên và
lớn nhất Ananda vào năm 1090. Triều đại Pagan là thời hoàng kim của
Miến, trong đó có dấu vết văn minh xưa còn tìm thấy rất rõ rệt qua những
kiến trúc đổ nát nơi cố đô. Triều đại này chấm dứt vào năm 1287 vì sự tàn
phá của quân Mông cổ dưới thời Hốt Tất Liệt (Kublai Khan).
Đất Miến là nơi đã diễn ra những cuộc tranh chấp liên tiếp; tranh chấp
không những giữa Miến với các lân bang mà đồng thời còn giữa các sắc
dân trong vùng với nhau. Những nỗ lực nhằm kết hợp hoàn toàn vùng vào
một mối đã tạo thành những cái mốc nổi bật trong diễn trình lập quốc. Sau
thời kỳ đế quốc Pagan (1044-1287), lịch sử Miến còn ghi nhận hai thời kỳ
kết hợp khác khởi đầu vào thế kỷ 16 và thế kỷ 18.
Vào thế kỷ 16, dòng vua Toungoo đã đánh bại các tiểu quốc Shan, Môn và
buộc các bộ tộc này phải chấp nhận quyền hành của triều đình Miến. Miến
Điện tuy thống nhất nhưng gần như suốt thế kỷ vẫn luôn luôn nằm trong
tình trạng chiến tranh giữa chính quyền trung ương với các thành phần ly
khai và với vương quốc láng giềng Ayuthia. Vào thế kỷ 18, dòng vua Miến
Konbaung hưng khởi lên và đánh bại người Môn. Các vua trong triều đại
này đã chinh đông phạt tây nhiều phen, nhất là với các lực lượng Assam,
Manipur và Xiêm. Từ 1766 tới 1770 quân Trung hoa cũng đã bốn lần tràn
sang Miến nhưng lần nào cũng bị thất bại. Vương triều này tồn tại tới cuối
thế kỷ 19 thì bị đế quốc Anh tiêu diệt cùng với sự chiếm đóng toàn thể lãnh
thổ Miến.
Các Vương Quốc Hải Đảo