“Thế mà gọi là chủ nhà à? Nghe cứ như vợ chồng vậy!”
Một câu của Lư Ngư như thức tỉnh người trong mộng, Lý An Dân phục
hồi tinh thần lại, đột nhiên nhớ ra đoạn đối thoại giữa cô và Diệp Vệ Quân về
quan hệ vợ chồng ở hội chùa ngày đó, bỗng cảm thấy đắng chát trong lòng, lại
ngước lên nhìn đường phố trước mắt. Mặt đường hắt lên thứ ánh sáng bàng bạc
hiu hắt của đèn khuya, vắng lạnh tịch liêu, hai bên là bóng dáng nặng nề của
những căn nhà xưa cũ khiến cho người ta cảm thấy xa vắng vô cùng, hệt như
lạc vào một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Cả hai không nán lại ngoài đường lâu, ăn xong liền quay về, ông chủ Lư
Ngư không hề rảnh rỗi, một công đôi việc, vừa chạm khắc khuôn đầu con rối
vừa phổ cập phong tục ở Triều Châu cho Lý An Dân nghe, trong đó có một
truyền thuyết dân gian khiến Lý An Dân chú ý, Ma gánh dưa.
Truyền thuyết kể rằng Rằm tháng Sáu âm lịch là ngày của Ma gánh dưa,
thời điểm này vừa khéo là mùa dưa hấu, mà ma thì cũng muốn ăn dưa hấu để
giải nhiệt, thế nên cả lũ mới chạy tới nhân giới để gánh dưa về. Cứ đến ngày
này, trên cửa sổ nhà nào cũng cắm một cành liễu hoặc cành đào để trừ tà tránh
quỷ. Tất cả đều về nhà từ sớm đóng cửa cẩn thận, tránh đám ma quỷ ấy đi
nhầm cửa, lỡ vô tình mà có con nào đó lọt vào nhà thì nhà đó sẽ gặp vận rủi
lớn.
Lý An Dân nói: “Ở nơi tôi sống, núi Tiểu Cương ấy, cũng có chuyện về
Ma gánh dưa, nhưng tình tiết câu chuyện thì khác hẳn so với chỗ bọn anh.”
Cô kể lại một lượt truyện về Ma đòn gánh sinh động như thật.
Lư Ngư bảo: “Cũng chẳng có gì kì lạ, loại truyện dân gian như thế này ở
đâu mà chẳng có, chỉ e là đều bắt nguồn từ một con ma nào đó rồi thêm mắm
dặm muối mà thành những dị bản khác nhau.”