Lư Ngư thu dọn sân khấu xong, lại chạy sang cánh gà lục tung hòm tủ, lấy
một cái rương bọc da cũ kỹ ra đặt lên trên bàn, trong rương toàn là sổ bìa cứng,
tất cả đều là bản chép tay phương thuật gia truyền mà cha của Lư Ngư sàng lọc
rồi ghi chép lại.
Năm đó, ông nội Lư Ngư vì tránh né các cuộc truy xét bài trừ mê tín gắt
gao, những thứ có thể đốt được liền đốt hết, còn gia phả cùng những ghi chép
quý giá của nhà họ Lư thì đưa về nhà tổ dưới quê, giấu trong khe trong hốc
dưới sàn trên mái, rồi cứ thế thoát được không bị mối mọt chuột gặm, hay như
thất lạc mất mát khi trùng tu nhà tổ. Giấu một mạch hai mươi năm, đến khi cha
Lư Ngư cắm rễ ở Triều Châu rồi mới đem toàn bộ về nhà chỉnh lý lại, những
thứ này phủ đầy bụi bặm do bị cất giấu quá lâu, hơn nữa lại còn ẩm mốc, vừa
mới cầm lên, những mảnh giấy cứ phải gọi là rơi lả tả xuống. Cha Lư Ngư phải
ghi chép lại từng trang từng quyển rồi sao chép, đến tận bây giờ vẫn chưa chép
xong. Sau khi giao hết gia nghiệp vào tay con trai, ông cụ liền phủi mông
quăng gánh, dắt tình nhân ra ngoài phiêu bạt chân trời góc bể, mọi sự còn lại
đều trông cậy vào anh con trai tiếp tục hoàn thành. Đáng tiếc ông chủ Lư Ngư
tuy say mê chạm khắc rối bóng, bảo anh ta đi khắc chú văn thì chẳng ngần ngại
gì mà còn sung sướng vô cùng, nhưng kêu anh ta cầm bút viết chữ thì trăm
ngàn lần không muốn, sau ba năm vẫn không viết ra nổi vài nét bút, tất cả đều
được giữ lại y nguyên rồi vứt vào trong cái rương bọc da này đây.
Ông chủ Lư Ngư kêu gọi mọi người cùng nhau tra sổ, vì cha Lư Ngư viết
theo lối chữ thảo, chữ viết như rồng bay phượng múa, Lý An Dân tra tìm rất
trầy trật, vừa đọc vừa phải hỏi, tốc độ rất chậm, còn Lư Ngư thì buồn ngủ đến
mức mắt díp hết lại, xem chưa được bao lâu đã bỏ đi ngủ, hết thảy số bút ký
còn lại đều do một mình Tống Ngọc Linh đọc hết. Tốc độ lật giở của cô ta cực
kỳ nhanh, ngón tay đặt lên trang giấy lướt như bay, vèo cái đã qua trang mới
rồi.