Nhiều thế kỷ trước, một vị vua đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam hai lần đẩy
lui quân Nguyên Mông xâm lăng. Một hôm, vào năm 1293, vị vua anh hùng
này đã rời ngôi vua, vài năm sau trở thành một nhà sư và đã để lại một di
sản Thiền tông mà đến bây giờ vẫn còn phát triển, trở thành dòng Thiền lớn
nhất tại Việt Nam. Ngài tên là Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của Nhà Trần
và là vị sáng lập Dòng Thiền Trúc Lâm.
Ngài tên húy là Khâm, con trưởng Vua Trần Thánh Tông và Nguyên
Thánh Hoàng thái hậu, sanh ngày mười một tháng Mười Một năm Mậu Ngọ
(1258). Ngài tuy ở vị sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông từ thuở nhỏ. Năm
mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử. Ngài cố từ để nhường lại cho
em, mà Vua cha không chịu. Vua cưới trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu
cho Ngài, tức là Khâm Từ Thái hậu sau này. Sống trong cảnh vui hòa hạnh
phúc ấy mà tâm Ngài vẫn thích đi tu.
Một hôm vào lúc giữa đêm, Ngài trèo thành trốn đi, định vào núi Yên
Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người mệt nhọc