quá, Ngài bèn vào nằm nghỉ trong tháp. Vị sư trụ trì ở đây thấy Ngài tướng
mạo khác thường, liền làm cơm thết đãi. Vua cha hay tin, sai các quan tìm
đến, Ngài bất đắc dĩ phải trở về.
Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị
cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập. Thường ngày, Ngài
đến chùa Tư Phước trong đại nội tu tập.
Một hôm nghỉ trưa, Ngài thấy trong rốn mọc lên một hoa sen vàng lớn
bằng bánh xe, trên hoa sen có đức Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ
Ngài nói: “Biết ông Phật này chăng? Là đức Phật Biến Chiếu.” Tỉnh giấc,
Ngài đem việc đó tâu lên vua cha. Vua Thánh Tông khen là việc kỳ đặc.
Ngài thường ăn chay lạt nên thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy
làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo:
“Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao
gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.
Con người Ngài rất thông minh hiếu học, đọc hết các sách vở, suốt
thông nội điển (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài
mời các Thiền khách bàn giải về Tâm tông (thiền), tham học thiền với
Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài
kính lễ làm thầy.
Những khi giặc Nguyên Mông sang quấy rối, Ngài phải xếp việc kinh
kệ để lo giữ gìn xã tắc. Nhờ tình đoàn kết quân dân, Ngài đã hai lần (1285,
1288) đuổi được quân Nguyên Mông, giữ gìn trọn vẹn đất nước. Dưới triều
đại Ngài, hai cuộc hội nghị nổi tiếng được ghi vào sử sách là: Hội nghị các
tướng lãnh ở Bình Than, hội nghị những bô lão trong cả nước ở Diên Hồng
để bàn mưu kế, tỏ quyết tâm chống giặc.