Nixon và Henry Kissinger, nóng lòng muốn sớm ký kết hoà ước — nhưng
Nguyễn Văn Thiệu phản đối kịch liệt những đề nghị mới ấy, gọi đó là một
“sự liên hiệp trá hình” và không chịu hợp tác. Bất chấp sự thất bại đó, Hoa
Kỳ đáp ứng bằng cách giữ lời hứa ngưng phần nào việc oanh tạc Miền Bắc
và Kissinger lên tiếng loan báo rằng hoà bình đang ở “trong tầm tay”
trong một cuộc họp báo đầy sôi nổi tại Washington ngày 26.11.1972.
Hai tuần sau, theo triều sóng lạc quan về hoà bình, Nixon được bầu thêm
một nhiệm kỳ tổng thống nữa với tuyệt đại đa số phiếu của cử tri. Thế
nhưng sau cuộc bầu cử một thời gian ngắn, khi cuộc hòa đàm Paris tiếp tục
trở lại, các bên tham dự lại sa lầy mà không đưa ra được lời giải thích rõ
ràng nào về những gì đang cản trở hoà ước. Những người chỉ trích Nixon
lập tức cáo giác rằng ông đã lợi dụng hòa đàm để tạo lợi thế cho mình
trong cuộc bầu cử. Trong khi thực tế, trước đó, vào ngày 18.12.1972, Nixon
cảnh cáo Nguyễn Văn Thiệu rằng nếu cần, Mỹ sẽ đi tìm một thỏa hiệp riêng
rẽ với Hà Nội. Trước ngày ký kết Hiệp định Paris, Nixon một mặt trấn an
Nguyễn Văn Thiệu bằng một lá thư hứa hẹn rằng nếu CS vi phạm Hiệp
định Mỹ sẽ trả đũa dữ dội, mặt khác, ông lại thêm lần nữa trắng trợn đe
dọa rằng nếu VNCH không chấp nhận Bản Hiệp định có nội dung chấp
nhận 150.000 quân Bắc Việt được ở lại Miền Nam, Mỹ sẽ hành động một
mình và sẽ chấm dứt cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế.
Trước đó, khi các đại biểu khởi sự nhóm họp thêm vào lúc bắt đầu tháng
12.1972 tại các biệt thự vô danh trong khu vực ngoại ô Paris, nơi họ từng
gặp gỡ nhau suốt bốn năm qua, các ký giả đang ngóng đợi trên các con
đường mùa đông tuyết phủ bên ngoài đều mang chung tâm trạng căng
thẳng chưa từng thấy. Cũng y như đại biểu của các phái đoàn tham dự, họ
chỉ nghĩ tới hoà bình. Đồng thời với lễ Giáng Sinh gần kề, vài người trong
bọn họ đoán trước rằng sẽ có những hành động phá hoại đẫm máu được
tiến hành trên một qui mô lớn một khi các lực lượng sau cùng của Hoa Kỳ
đã cúi đầu chào từ biệt Việt Nam. Trong lúc ấy, máu người VN, thường dân
và lính của cả hai bên, vẫn đổ trên khắp đất nước. Tổng kết hai năm 1968-
89, Nam Việt Nam bị 39 ngàn người tử thương, 132 ngàn bị thương và 3
ngàn mất tích.