Lời Nói Đầu
Anthony Grey
Thư gửi bạn đọc Trăng Huyết
Trong mùa hè năm 2004, một người bạn Việt Nam trẻ tuổi của tôi hiện học
tại Anh đã đọc Trăng Huyết, bản phóng tác bằng tiếng Việt. Cô đối chiếu
các phần của cuốn ấy với cuốn tiểu thuyết nguyên bản SAIGON của tôi, là
cuốn hình thành cái lõi cốt yếu của tác phẩm khuếch đại và mới của người
bạn đồng tác giả Nguyễn Ước. Vì tôi không biết và không đọc được tiếng
Việt nên lúc ấy, tôi không có ý niệm về những gì Nguyễn Ước đã làm đối
với bản văn của tôi. Trước khi thực hiện tác phẩm ấy, anh không tham khảo
ý kiến tôi, cũng không tìm cách xin phép tôi cho tới khi anh đã hoàn tất.
Thậm chí khi viết thư này, tôi vẫn không biết thật cặn kẽ những gì chứa
đựng trong 400 trang mà anh thêm vào — ngoài việc biết rằng những thay
đổi trong giai đoạn sau năm 1945 thì nhiều hơn trong phần đầu của cuốn
truyện.
Trước đây, tôi biết qua lời của chính Nguyễn Ước giải thích với tôi rằng
anh nồng nhiệt tin tưởng cuốn tiểu thuyết của tôi với những đoạn thông tin
và diễn dịch do anh thêm vào là “bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình
mà người dân Việt Nam đang trông đợi”. Trong lần liên lạc thứ nhất, anh
nói với tôi rằng anh cảm thấy nó có sức mạnh “hòa giải và giải phóng”
người dân Việt Nam khỏi những xung khắc thời quá khứ. Nhận thấy mình
xúc động bởi niềm xác tín đó, tôi bất giác quyết định không chống lại cũng
như không phản đối tức thời việc Nguyễn Ước đã làm.
Tuy thế, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm khi người bạn sinh viên Việt Nam trẻ tuổi
tại Anh ấy nói với tôi rằng cô rất xúc động qua những gì cô đã đọc. Cô nói,
“Tôi xin cám ơn ông đã viết cuốn sách này. Tôi đã biết được rất nhiều về
xứ sở và dân tộc của tôi mà trước đây tôi chưa hề biết. Tôi nghĩ rằng giá trị
lớn lao nhất của cuốn truyện này là nó bảo tồn ký ức lịch sử cho những thế
hệ mới của người Việt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tôi
cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết rất quan trọng cho dân tộc Việt Nam — và
cũng cho mọi người khác nữa.”