84
tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp,
huống hồ thuộc lại đối với các bậc quan trên”.
Một trong những chỗ cần khắc phục chính đó là
hệ thống quan cấp cao, nắm giữ quyền bính, nguồn
của cải của triều đình:
“Nhưng phép thuật ngày nay thì người làm
quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu
biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu
cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái
với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch... khi tìm được
chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn... Hoặc không giữ
chắc của công, hoặc lấy của công làm của tư, họ dám
đùa bỡn với báu vật...”.
Và cách khắc phục:
“Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người
công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị
trao cho họ trọng trách”.
“Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ
biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và
nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ.
Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy
để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính
xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì
ân thưởng ưu đãi và quan trường cũng được ban
thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt
không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà
bị xử phạt. Làm như vậy thì con người sẽ tốt lên,
thói tham sẽ ngăn chặn được...”.
85
Vũ Kiệt nêu trách nhiệm của quan cấp trên và sự
gương mẫu của cấp trên như một nguyên lý tự
nhiên cho toàn bộ hệ thống quan lại:
“Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là
người tốt mà muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống
trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục
mà mong cho dòng trong”.
Bài văn sách Đình đối của Trạng nguyên Vũ Kiệt
còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của đời sống xã
hội về phong tục và thuần hóa phong tục, về “lễ”,
hệ thống quy chế lễ nghi, thứ bậc... như những quy
phạm, những chuẩn mực về đạo đức, pháp độ, v.v..
Đọc bài văn sách Đình đối của Vũ Kiệt, cũng như
một số bài văn sách đình đối của các Trạng nguyên
khác, chúng ta có thêm được một số nhận định:
- Các Trạng nguyên đã bộc lộ tri thức toàn diện: Về
Hán học, về văn học, sử học và chính trị, kể cả nghị
lực và dũng khí của bậc sĩ quân tử.
- Từ thành tựu cao trong học hành khoa cử, Vũ
Kiệt cũng như các trạng nguyên khác đã trở thành
những vị quan tài đức vẹn toàn, góp phần quan
trọng trong sự nghiệp ”kinh bang tế thế”.