BỨC TRANH ĐỊA CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI VÀ CHÂU Á
QUA CÁI NHÌN CỦA KISSINGER
World Order (Trật tự Thế giới) của Henry Kissinger vừa ra đời đã gây
sự chú ý của nhiều độc giả, đặc biệt là các nhà khoa học và chính khách
trên thế giới.
Trước đó, Kissinger cũng đã xuất bản một loạt các tác phẩm khác về
chính trị thế giới và khu vực như Nuclear Weapons and Foreign Policy (Vũ
khí hạt nhân và chính sách đối ngoại), American Foreign Policy (Chính
sách đối ngoại của Hoa Kỳ), Ending the Vietnam War: A History of
America’s Involvement in and Extrication from the Vietnam War (Kết thúc
Chiến tranh Việt Nam: Lịch sử sự tham gia của Mỹ và thoát khỏi Chiến
tranh Việt Nam), On China (Luận về Trung Quốc). Lợi thế của tác giả là
kết hợp được chiều sâu của một nhà nghiên cứu chính trị với một kinh
nghiệm thực tiễn phong phú ở tầm ngoại giao chiến lược quốc tế trên mọi
châu lục. Và World Order hiện diện như một tác phẩm tổng kết lại cách
nhìn của Kissinger về bức tranh địa chính trị thế giới, cũng được một số ý
kiến cho đây có thể là tác phẩm cuối cùng của ông.
Trong World Order, Kissinger xuất phát từ Hòa ước Westphalia
(chương 1) để phân tích về tương quan giữa các nước, chủ yếu là các cường
quốc và các khu vực giữ một vai trò đặc biệt đối với bức tranh địa chính trị
thế giới, với những khác biệt trong thế giới quan và vị trí địa lý đã ảnh
hưởng đến chính sách ngoại giao của mỗi nước như thế nào. Tác giả dành
chương cuối (chương 9) để bàn về vấn đề toàn cầu hoá trong thời đại khoa
học công nghệ, đặc biệt là tin học và truyền thông đại chúng lan tràn đã tác
động mạnh mẽ đến dư luận, các nhà lãnh đạo và các quyết định chính trị
hiện nay.