Theo cách nhìn của Kissinger thì trật tự thế giới ngày nay cần được
đặt trên hai yếu tố căn bản: 1. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi
quốc gia có tính chính danh dựa trên căn bản của các hiệp ước và tổ chức
quốc tế; 2. Và để đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới cũng
như các khu vực, cần phải dựa trên một sự cân bằng quyền lực mà chủ yếu
phụ thuộc vào các cường quốc thế giới và khu vực.
Điểm qua một loạt các quốc gia tiêu biểu trải dài từ châu Âu, châu Á
đến Trung Đông và Bắc Mỹ, bắt đầu theo tiến trình thời gian được lấy mốc
từ Hòa ước Westphalia đến tận thời điểm tác phẩm hoàn thành, và mặc dù
đã lưu ý đến đặc điểm lịch sử, địa lý, tôn giáo và sắc tộc của các quốc gia
và khu vực, nhưng Kissinger vẫn nghiêng về xu hướng tán đồng một kiểu
trật tự thế giới do phương Tây xây dựng từ sau Thế chiến thứ Hai dựa theo
khuôn mẫu của Hòa ước Westphalia và không ngừng được bổ sung bởi các
hiệp ước khác sau này, cũng như bởi sự hình thành của những liên minh
nhân danh việc duy trì cán cân thăng bằng trên thế giới, nhưng đằng sau đó
vẫn là lợi ích quốc gia. Đây là một lối tư duy cổ điển dựa trên cơ sở áp đặt
cái lý của kẻ mạnh, dù vẫn đề cao những giá trị của tính chính danh của các
quốc gia có chủ quyền. Tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình ở cách nhìn
về trật tự thế giới, bỏ qua đặc điểm thời đại về tính đa cân bằng. Tuy nhiên,
nó cũng là một lời cảnh báo cho các quốc gia, nhất là các quốc gia nhỏ bé,
phải tự lực tự cường đề nâng cao vị thế tương quan của mình với các cường
quốc.
Kissinger cũng không hề giấu diếm việc đề cao vai trò của Mỹ trong
bối cảnh tương quan lực lượng của thế giới hôm nay. Dường như, giá trị
Mỹ là một lập trường của tác giả khi soi chiếu vào trật tự thế giới mới hôm
nay. Điều đó cũng dễ hiểu vì bên cạnh tư cách tác giả, ông còn là một cựu
chính khách Mỹ dày dạn kinh nghiệm.
Để hiểu được sự tự tin, phần nào ngạo nghễ của Kissinger như thấu
kính phóng đại niềm tự hào Mỹ là một quốc gia dị biệt, cần phải xem xét
vấn đề địa chính trị của nó.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nằm gần như hoàn toàn trong Tây Bán cầu,
hầu như tách biệt với phần còn lại của thế giới với tây giáp Thái Bình