Tải Ebook miễn phí tại: Chiasemoi.com
Chúng ta trân trọng vô số lợi ích y học và công nghệ giúp cải thiện cuộc sống của ta. Nhưng hầu như người ta biết rất ít
về lịch sử vũ trụ hay cuộc sống trên trái đất. Điều này chỉ làm bào mòn ý thức lẫn kiến thức con người mà thôi.
May thay, thay đổi không hề khó. Sau đây là vài gợi ý:
1. Đặt mua tờ Scientific American hoặc các tạp chí khoa học nơi bạn ở. Tôi bắt đầu đọc Scientific American vài năm
trước, và nói thật, tôi thấy khá khó nuốt. Nhưng hiện nay nó đã cải thiện nhiều, chủ yếu viết cho các độc giả không
chuyên về lĩnh vực này với số lượng thuật ngữ sử dụng rất hạn chế hoặc được chú giải rất rõ ràng. Hầu hết các bài viết
đều có tóm tắt ý chính và những phát hiện mới ở khúc đầu. Chỉ riêng bài viết hàng tháng của nhà sử học khoa học
Michael Shermer và nhà vật lý học Lawrence Krauss cũng đáng để bạn đặt mua.
2. Thuê hoặc thu thập các tập phim tài liệu trên đài BBC của nhà nghiên cứu vạn vật học David Attenborough, đặc biệt
là những bộ Planet Earth, The Trials of Life, Blue Planet, Life on Earth, và The Living Planet. (Loạt chương trình
Cosmos của nhà thiên văn học Carl Sagan vẫn luôn là tác phẩm kinh điển sau hơn 30 năm.)
3. Nếu bạn muốn nhanh gọn, hãy đọc The Canon: A Whirligig Tour of the Beautiful Basics of Science của tác giả Natalie
Angier, hay nếu bạn thích khoa học cộng một chút hài hước, tìm đọc A Short History of Nearly Everything (Lịch Sử
Ngắn Gọn Của Hầu Như Tất Cả Mọi Thứ) của chuyên gia Bill Bryson.
Khoa học thực chất chỉ là một công cụ, là cánh cửa dẫn đến chân lý. Đương nhiên, vẫn còn có những hình thức trí tuệ
nhân loại khác – tín ngưỡng, nghệ thuật, triết học và văn học – thể hiện chân lý con người mà những phương pháp
khoa học không bao giờ có thể xác nhận hay phủ nhận.
Nhưng nếu thiếu đi sự suy xét lý trí, không biết hoài nghi về những đánh giá hoặc tuyên bố mới, chúng ta dễ vướng
phải thứ khoa học giả mạo, những lời khuyên lang băm, vô nghĩa và mù quáng. Carl Sagan thường gọi khoa học là
“thiết bị lật tẩy những trò nhảm nhí.”
Ngoài ra nó còn những lợi ích khác. Khoa học dạy cho ta về sự kỳ diệu, về cộng đồng, về sự hợp nhất và tính khiêm
nhường. Nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould từng nói: đặc điểm chung của tất cả các cuộc cách mạng khoa học là
thói ngạo mạn của con người bị truất phế.
Nếu không có khoa học tự nhiên, hẳn chúng ta sẽ bỏ lỡ vẻ đẹp và tri thức vĩ đại. Trong Unweaving the Rainbow, nhà
sinh vật học thuộc trường Oxford, Richard Dawkins đã viết:
Sau hàng trăm triệu thế kỷ ngủ mê, cuối cùng mắt ta mở to nhìn ngắm một hành tinh lộng lẫy, lấp lánh màu sắc, tràn
đầy sự sống. Thế nhưng, chỉ vài thập kỷ ngắn ngủi, ta lại phải nhắm mắt lần nữa. Vậy nên, khi ta dành quãng thời gian
ngắn ngủi được sống của mình vào việc tìm hiểu vũ trụ và lý do ta được mở mắt nhìn đời, chẳng phải cao quý và sáng
suốt lắm ư? Có ai, với suy nghĩ ấy trong đầu, mà không lao ra khỏi giường, hăm hở khám phá thế giới và cảm thấy vui
vì mình là một phần của vũ trụ chứ?
Mối Liên Kết Của Bạn Với Vạn Vật