26. PHÉP ẢO THUẬT QUẢN LÝ BẢNG CÂN ĐỐI KẾ
TOÁN
Trong cuốn sách này đã có đôi lần chúng tôi đề cập đến cụm từ quản lý bảng
cân đối kế toán. Bây giờ chúng tôi muốn đi sâu hơn vào thuật này. Lý do? Quản lý
bảng cân đối kế toán một cách khôn ngoan cũng giống như thực hiện một phép ảo
thuật tài chính. Nó cho phép doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, mà không
cần thúc đẩy doanh thu hay cắt giảm chi phí. Quản lý bảng cân đối tốt hơn giúp
doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong việc biến đầu vào thành đầu ra sản
phẩm, rồi cuối cùng trở thành tiền mặt. Nó giúp tăng tốc chu kỳ chuyển đổi tiền
mặt (cash conversion cycle), một khái niệm mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau.
Những doanh nghiệp có thể làm ra nhiều tiền mặt hơn trong khoảng thời gian ngắn
hơn có quyền tự do hành động hơn; họ không phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư
hay chủ nợ bên ngoài.
Chắc chắn, tổ chức tài chính trong công ty bạn là bộ phận chịu trách nhiệm
cao nhất về việc quản lý hầu như toàn bộ bảng cân đối kế toán. Họ chịu trách
nhiệm tính toán cần vay nợ bao nhiêu, với điều khoản như thế nào, họ cũng chịu
trách nhiệm huy động đầu tư từ vốn chủ sở hữu khi cần, và thường có thêm trách
nhiệm giám sát tổng tài sản và tổng nợ phải trả của công ty. Tuy vậy, các nhà quản
lý ngoài lĩnh vực tài chính lại có tác động to lớn lên những khoản mục nhất định
trên bảng cân đối kế toán, những khoản mục này được gộp chung lại dưới cái tên
vốn lưu động (working capital). Vốn lưu động là đấu trường chính để phát triển và
áp dụng trí tuệ tài chính. Khi bạn nắm được các khái niệm, bạn sẽ trở thành đối tác
có giá trị với tổ chức tài chính và các nhà quản lý cấp cao. Học cách quản lý vốn
lưu động tốt hơn, bạn có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên khả năng sinh lời cũng
như tình trạng tiền mặt của tổ chức.
CÁC YẾU TỐ TRONG VỐN LƯU ĐỘNG
Vốn lưu động là hạng mục nguồn lực, bao gồm tiền mặt, hàng tồn kho, và các
khoản phải thu trừ đi bất kỳ thứ gì mà doanh nghiệp sở hữu trong ngắn hạn. Nó
nằm ngay trên bảng cân đối kế toán, và thường được tính toán theo công thức sau:
Vốn lưu động = tài sản ngắn hạn – nợ ngắn hạn
Tất nhiên, phương trình này có thể được phân tích nhỏ hơn nữa. Như chúng ta
đã thấy, tài sản ngắn hạn bao gồm các khoản mục như tiền mặt, các khoản phải trả