phân tích và các chủ nợ có thể cũng đang theo dõi chúng. Chúng tôi sẽ nói thêm về
phương pháp quản lý các khoản phải thu trong Phần VII, khi bàn về vốn lưu động
(working capital).
Đôi khi bảng cân đối cũng có một mục gọi là “dự phòng nợ xấu,” được trừ vào
các khoản phải thu. Đây là ước tính của kế toán viên − thường là dựa trên kinh
nghiệm đã có − về khoản nợ của những khách hàng không thanh toán hóa đơn. Ở
nhiều doanh nghiệp, việc trừ đi một khoản dự phòng nợ xấu cho ta thấy một diện
mạo chính xác hơn về giá trị của các khoản phải thu. Nhưng cũng cần lưu ý: các
khoản dự phòng đó chứa đầy các ước tính. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp còn sử
dụng khoản dự phòng nợ xấu như một công cụ để “chuốt” thu nhập. Khi tăng
khoản dự phòng nợ xấu trên bảng cân đối kế toán, bạn sẽ phải ghi nhận một khoản
phải chi trừ vào lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh. Việc làm này làm giảm
con số thu nhập trên báo cáo. Tương tự như vậy, nếu bạn kê giảm khoản dự phòng
nợ xấu, thì điều chỉnh này sẽ làm tăng lợi nhuận trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Vì khoản dự phòng nợ xấu luôn là ước tính, nên ở đây luôn có chỗ cho phán đoán
chủ quan.
“Chuốt” thu nhập
Bạn ắt sẽ cho rằng Phố Wall thích những cú hích lớn trong lợi nhuận của
doanh nghiệp − để đồng nghĩa với việc sẽ có thêm lợi tức cho các cổ đông, đúng
không? Nhưng nếu cú hích ấy xảy đến ngoài dự đoán và khó lý giải − và đặc biệt là
nếu nó khiến Phố Wall bất ngờ, thì các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ phản ứng tiêu
cực, xem đó như một dấu hiệu cảnh bảo rằng ban quản lý mất khả năng kiểm soát
tình hình của doanh nghiệp. Bởi lẽ đó, các doanh nghiệp mới muốn “chuốt” lợi
nhuận, để duy trì mức tăng trưởng ổn định và trong tầm dự đoán.
Hàng tồn kho
Các công ty dịch vụ thường không có hàng tồn kho, nhưng gần như tất cả các
loại hình doanh nghiệp khác − công ty sản xuất, thương mại, bán lẻ − thì đều có.
Trong con số tồn kho có một phần là giá trị của những sản phẩm sẵn sàng để bán.
Nhóm này được gọi là tồn kho thành phẩm (finished product). Nhóm thứ hai,
thường chỉ có ở các công ty sản xuất, là giá trị của những sản phẩm đang được sản
xuất. Kế toán viên gọi chúng là tồn kho hàng đang sản xuất, hay tồn kho WIP
(work-in-process). Và cuối cùng, đương nhiên, có cả tồn kho những nguyên vật
liệu thô sẽ được sử dụng trong sản xuất. Lùi xa một chút, đó chính là tồn kho
nguyên vật liệu thô.