này đã bị thánh Thomas đả phá kịch liệt, nên sau đó không ai dùng nữa.
Mãi đến thời Descartes, luận chứng này lại được sử dụng một cách khéo léo
trong các tác phẩm của triết gia Cogito, nhất là nơi Suy niệm V. Đại ý luận
cứ này như sau: “Tôi có ý tưởng rõ ràng và phân minh về một Hữu thể vô
cùng toàn thiện. Nếu tôi quan niệm Ngài không hiện hữu thì tôi mắc vào
mâu thuẫn. Cho nên phải kết luận Ngài hiện hữu. Descartes còn nói: quan
niệm hình tam giác mà không nhận nó có 3 góc là mâu thuẫn; cũng vậy,
quan niệm Thượng Đế mà lại không nhận là Ngài có, thì cũng mâu thuẫn.
Kant phá đổ luận cứ của Descartes một cách dễ dàng. Trước hết ông lưu
ý ta rằng luận cứ hữu thể học có tính chất hoàn toàn luận lý, giống như một
mệnh đề toán học: đó là thứ luận lý hình thức, cho nên cái “phải có” chi có
trong quan niệm. Thí dụ khi ta quan niệm hình tam giác, tất nhiên ta quan
niệm nó có 3 cạnh và 3 góc; nhưng nếu ta không vẽ ra giấy hoặc đục trên
gỗ, thì thực sự không có hình tam giác và cũng không có góc nào hết. Nhân
đó Kant viết: “Nhận có hình tam giác mà lại không nhận nó có 3 góc thì
mâu thuẫn thực đấy: nhưng nếu gạt bỏ luôn cả hình tam giác và 3 góc của
nó thì có mâu thuẫn gì đâu? Đối với quan niệm ta có về Hữu thể tuyệt đối
cũng thế: nếu bạn chối sự hiện hữu của Ngài thì còn đâu những thuộc tính
(như sự toàn thiện) của Ngài? Và như vậy có mâu thuẫn gì đâu?
Thực sự những người dùng luận cứ hữu thể học như Descartes đã “ăn
gian”: người ta đòi họ chứng minh có Thượng Đế, thì họ lại bắt đầu bằng
chỗ buộc ta nhận Thượng Đế là đấng toàn hảo, và tất nhiên toàn hảo thì
phải có hiện hữu. Nhưng ta đã nhận Ngài hiện hữu đâu mà nhận rằng Ngài
toàn hảo?
Đúng thế, phần thứ hai của luận cứ hữu thể học chứa đựng một lầm lẫn
quan trọng vào bậc nhất trong triết học: lầm lẫn hai bình diện quan niệm và
hiện hữu, ý tưởng và thực tại. Ta vừa thấy Descartes coi hiện hữu là một
phẩm tính (Thượng Đế toàn hảo thì phải có đủ mọi phẩm tính, vậy Ngài
không thể thiếu phẩm tính hiện hữu). Trước kia thánh Thomas cũng đã
chống đối những người coi hiện hữu là một phẩm tính hoặc một quan niệm:
học thuyết của ngài mệnh danh là sự khác biệt giữa yếu tính (essence) và