cánh khác tựa hồ có thể dùng nó làm như phương tiện: nếu thế, người ta sẽ
không còn tìm đâu được một cái gì có giá trị tuyệt đối; và nếu tất cả mọi giá
trị đều bất tất, thì lý trí sẽ không tìm đâu ra mọi nguyên tắc tối cao cho hành
động nữa”
Câu trên đầy khó đọc hơn là khó hiểu. Nó khó đọc như nhiều câu rất dài
và khúc mắc của Kant. Nhưng ý nghĩa thì khá rõ: thay vì chữ “cứu cánh tự
thần”, trên đây ông đã dùng chữ “cứu cánh khách quan” theo nghĩa những
cứu cánh này hiện hữu không lệ thuộc vào ý thức của ta: chúng hiện hữu
một cách tự thân, bởi vì đó là một tên khác của những nhân vị. Các học giả
lưu ý ta về kiểu nói “không chỉ như một phương tiện”, ta không xử sự với
tha nhân như sử dụng một phương tiện nhưng ta cũng không hoàn toàn coi
tha nhân như cứu cánh cho ta, bởi vì chính ta cũng là cứu cánh. Vậy thì
trong sinh hoạt thường ngày, ta vẫn phải nhờ cậy lẫn nhau, giúp đỡ lẫn
nhau: như thế, dù muốn dù không, ta vẫn sử dụng tha nhân. Muốn hành
động theo đạo lý, ta đừng bao giờ coi tha nhân như chỉ là phương tiện phục
vụ cho những lợi ích của ta, nhưng đồng thời phải nghĩ đến quyền lợi làm
người của tha nhân, coi tha nhân cũng là một cứu cánh tự thân như ta. Cho
nên “theo Kant, quyền lợi không bao giờ xác định tương quan giữa sự tự do
của người này với dục vọng của người kia, nhưng là tương quan giữa sự tự
do của hai người”
. Nói cách khác nếu ông chủ có quyền đòi thợ thuyền
làm việc đứng đắn, thì ông chủ cũng đồng thời có bổn phận chia lời một
cách công bình cho thợ khi xí nghiệp phát đạt thêm. Nếu không sẽ là bóc lột
chứ không phải là tương giao nữa.
Trở lại câu của Kant, ta thấy ông quyết con người hiện hữu (tức sinh
hoạt) như một cứu cánh tự thân. Theo ông, đây là điểm then chốt cho quan
niệm tự trị của ý chí. Nói một cách đơn giản thì câu nói có nghĩa là con
người không sinh hoạt để tìm kiếm một cái gì ở ngoài mình, hoặc ở ngoài
hành động của mình: mục tiêu của hành động là chính sự ngay chính của
hành động. Nhớ lại những gì ta đã xem qua khi bàn về bản chất của con
người nơi phần Biện chứng pháp siêu nghiệm, ta mới thấy tư tưởng của
Kant trước sau vẫn thủy chung: ta chỉ biết và đánh giá con người do những