trước sau ta vẫn không có tri thức thực sự. Đây là điểm quan trọng: một
đàng thì những đối tượng của lý trí thực hành có tính chất những thực tại
khách quan, nhưng đàng khác lý trí không được thêm gì về phương diện tri
thức. Về tính chất thực tại khách quan, Kant viết: “Tri thức của lý trí đã
được nới rộng bởi vi những đối tượng đã được ban cho các ý tưởng kia do
các định đề của lý trí thực hành: những tư tưởng nghi vấn này, lần đầu tiên,
đã có được tính chất thực tại khách quan”
. Như vậy, đối với lý trí thực
hành, tức lý trí chỉ huy sinh hoạt và hành động của ta thì linh hồn và
Thượng Đế không còn là những nghi vấn (nghĩa là không mâu thuẫn nhưng
chưa có nội dung chắc chắn), nay trở thành những ý tưởng có đối tượng
khách quan: bản chất thực tại khách quan của kinh nghiệm siêu hình cho
phép ta coi những đối tượng này như những dữ kiện. Tuy nhiên, vì kinh
nghiệm siêu hình là thứ kinh nghiệm liên can đến những vật tự thân, những
thực tại của thế giới khả niệm, cho nên kinh nghiệm này không nới rộng
nền tri thức lý thuyết của ta. Nói cách khác lý trí thực hành không làm giầu
thêm cho lý trí lý thuyết. Ta công nhận có Thượng Đế và ta tin có Ngài
cũng như ta tin có tự do, nhưng ta không thể nói Ngài là gì. Điều này cũng
trùng hợp với chủ trương của thánh Thomas khi ngài quyết rằng ta biết có
Thiên Chúa nhưng không biết bản tính Ngài thế nào (Scimus quod Deus est,
nescimus quid Deus sit).
Nói thế có phải Kant không biết gì về Thượng Đế chăng? Phải chăng ông
thiên về thuyết bất tri? Những lời của ông trên đây cũng đủ trả lời. Ta thấy
ông chủ trương lý trí con người nhất thiết công nhận có Thượng Đế, khi lý
trí đó suy nghĩ chính chắn về chủ đích của sinh hoạt tự do và đạo đức của
con người. Hơn nữa ông cho linh hồn và Thượng Đế là những thực tại được
ta kinh nghiệm trong sinh hoạt siêu hình của ta, và đó là những thực tại
khách quan. Rồi khi nhìn vào sự thiện toàn hảo của con người, nhân đức và
hạnh phúc cùng thực hiện ở mức cao nhất, ông giúp ta công nhận rằng con
người chỉ có khả năng sinh hoạt cho đáng được hạnh phúc, chứ con người
không có khả năng tự mình đạt tới hạnh phúc, bởi vì con người không sáng
tạo nên vũ trụ cùng với những điều kiện khách quan của hạnh phúc. Bởi đó