quan sát chúng tôi không thấy một trường hợp ngoại trừ nào đối với định
luật này”
. Như vậy tri thức khoa học đã bỏ bình diện những kinh
nghiệm lẻ tẻ của tri thức thông thường để vươn tới bình diện hình thức, tức
bình diện lý thuyết. Điều nên nhớ là kinh nghiệm thông thường không có
khả năng dạy ta một lý thuyết hoặc ban cho ta một tri thức phổ quát và tất
yếu, vì kinh nghiệm chỉ hạn hẹp trong cái mà ta kinh nghiệm thôi. Cho nên
tri thức khoa học, cùng với hai đặc tính của nó là phổ quát và tất yếu, thuộc
loại tri thức tiên thiên, đúng như Kant viết: “Tính chất tất yếu và tính chất
phổ quát thực sự là những dấu hiệu chắc chắn của một tri thức tiên thiên, và
hai tính chất này không khi nào lìa nhau”
Tóm lại tri thức đích thực, tức tri thức khoa học bao giờ cũng chắc chắn
vì tất yếu và phổ quát, và được áp dụng một cách tiên thiên tuyệt đối cho tất
cả các trường hợp có thể xảy ra. Dưới đây, khi bàn về các khoa học như
Toán, Luận lý và Vật lý, Kant sẽ trở lại vấn đề này dưới một khía cạnh
khác: ông sẽ gọi các tri thức tiên thiên này là “những mệnh đề tổng hợp tiên
thiên”. Nhân đó chúng ta sẽ xem đến bản chất những mệnh đề tổng hợp tiên
thiên, một vấn đề khá quan trọng của cuốn Phê bình lý trí thuần túy.
Thế nào là một mệnh đề tổng hợp tiên thiên ? Để hiểu vấn đề này, cần
biết Kant phân các phán đoán, hay mệnh đề, làm hai loại: những mệnh đề
phân tích và những mệnh đề tổng hợp. Nơi những mệnh đề phân tích, thì
thuộc từ đã nằm sẵn trong chủ từ rồi, và chỉ cần dùng phân tích là có thể lôi
nói ra. Chẳng hạn câu “Tất cả các vật thể đều có khối lượng” là một mệnh
đề phân tích, vì quan niệm khối lượng (masse) đã nằm sẵn trong quan niệm
vật thể: nghĩ đến vật thể là nghĩ đến một cái gì có trường độ và khối lượng.
Cho nên mệnh đề phân tích không mang lại một cái gì mới cho ta. - Trái lại
nơi những mệnh đề tổng hợp, thuộc từ là một cái gì hoàn toàn mới do ta
thêm vào cho chủ từ: thí dụ câu “Tất cả các vật thể đều có trọng lượng” là
một câu tổng hợp, vì quan niệm trọng lượng không nhất thiết nằm trong
quan niệm vật thể. Trọng lượng là quan niệm ta có khi nghĩ đến tương quan
giữa một vật thể và trái đất chẳng hạn, thành thử khi không còn tương quan
này nữa thì sẽ không có trọng lượng (đó là trường hợp vô trọng lượng của