nghiệm”
. Kant thấy cần phải xác định ngay về quan niệm vật lý của
ông: từ Platon, Aristote đến Descartes và Hume, triết học vẫn nói đến
những bản tính vĩnh cửu và bất biến của vạn vật, tức bản tính tự thân và
tuyệt đối của chúng. Theo Kant, con người không có cách nào biết được
những bản tính tự thân đó, vì cách thế tri thức duy nhất của con người là tri
giác, một tri thức kết tinh của quan niệm và cảm giác, nhân đấy con người
không thể có cái nhìn vào bản tính tuyệt đối của vạn vật như chư thần. Nói
cách khác, con người phải nhờ kinh nghiệm mới tri thức được sự vật; tuy
nhiên Kant vẫn nhấn mạnh rằng kinh nghiệm không phải là nguồn mạch
duy nhất của tri thức, vì ngoài tri thức thường nghiệm của giác quan, ta còn
một thứ tri thức chắc chắn hơn: đó là tri thức khoa học. Tri thức khoa học
này không chịu dừng lại nơi những sự kiện vụn vặt, cũng không tự cho
mình cái quyền biết tới bản tính tuyệt đối của vạn vật, nhưng nhiệm vụ của
nó là tìm hiểu những định luật chi phối sự xuất hiện của vạn vật cùng là
những biến chuyển của chúng.
Xem thế, ta thấy vẫn là danh từ “bản tính” nhưng từ Aristote đến Kant
nó đã đổi hẳn nội dung. Với Aristote và truyền thống Tây phương cho tới
Descartes và Hume, thì bản tính có nghĩa là cơ cấu nội tại, tuyệt đối bất
biến của vạn vật. Còn đối với Kant, thì chữ bản tính lại chỉ có nghĩa là hệ
thống những định luật chi phối những biến dịch của sự vật thôi. Nói cách
khác, khoa Vật lý của Aristote đưa ra những quan niệm suông, những định
nghĩa về sự vật, còn khoa Vật lý của Newton mà Kant nhận làm của mình
thì lại chú trọng đến những định luật liên can đến những biến thái của sự
vật. Kant viết: “Chúng ta không có cách nào khác để nghiên cứu bản tính sự
vật ngoài cách tìm biết những điều kiện và những định luật phổ quát (mặc
dù chủ quan) nhờ đó mà ta có thể có tri thức về vạn vật, tức có thể có kinh
nghiệm về sự vật”
. Đối với Kant, tri thức không phải là chiêm ngưỡng
những thực tại tự thân như ta thấy nơi thuyết Platon và truyền thống Tây
phương cho đến Descartes, nhưng tri thức chỉ là tương quan giữa sự vật và
khả năng lãnh hội của ta. Khả năng này chính là cảm năng của ta cùng với
hai hình thái của nó là không gian và thời gian: cảm năng của ta là điều kiện