thường khác nhau, có đúng cũng có sai, vốn là đều vì đại sự nước nhà.
Nhưng cũng có người bảo vệ sở đoản của mình, không muốn nghe sai
lầm của mình, bất kể lời người khác nói đúng hay sai cũng đều oán
hận. Có người thì làm việc cẩu thả, tránh né mâu thuẫn, chiếu cố thể
diện của nhau, biết rõ là việc không chính đáng nhưng vẫn cho thi
hành. Không dám làm mất sĩ diện cỏn con của cấp trên nhưng lại tức
khắc trở thành đại họa của muôn người. Đây quả thực là cách làm
khiến nước nhà nguy vong, các khanh phải đặc biệt chú ý phòng ngừa.
Thời nhà Tùy, mọi viên quan trong ngoài xử lý công việc đều ba phải
nên rước lấy tai họa, rất nhiều người không biết suy nghĩ sâu sắc về
điều này. Khi ấy ai cũng cho là tai họa sẽ không xảy đến với mình.
Ngoài mặt thì vâng dạ, sau lưng thì bàn tán, không cho là cách làm ấy
sẽ gây ra tai họa. Sau đó đại họa xảy ra, nước mất nhà tan, tuy có
người giữ được tính mạng, nhưng cũng phải trải qua trăm nghìn gian
khổ mới tránh được cái chết, bị dư luận lên án. Các khanh phải diệt trừ
lòng riêng, một lòng vì việc công, giữ vững chính đạo, xử lý mọi công
việc phải hỗ trợ nhau, đừng để trên dưới không đồng thuận.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ hai, Đường Thái Tông hỏi Vương Khuê:
− Vua tôi thời cận đại trị nước thường kém hơn vua tôi thời
thượng cổ, nguyên nhân do đâu?
Vương Khuê đáp:
− Đế vương thời thượng cổ trị nước coi trọng thanh tịnh vô vi, họ
nghĩ những điều trăm họ nghĩ. Đế vương thời cận đại thì chỉ muốn tổn
hại lợi ích của trăm họ để thỏa mãn lòng tham của mình, các đại thần
được sử dụng không còn là những người tinh thông kinh học nho
thuật. Tể tướng triều Hán chẳng ai không tinh thông kinh điển, triều
đình có vấn đề nghi nan, đều dẫn dụng kinh thư, sử thư để ra quyết
định. Bởi vậy bá tánh hiểu chuẩn mực lễ nghĩa, nước nhà được thái
bình. Thời cận đại coi trọng võ bị mà xem nhẹ nho thuật, hoặc thích