được vua triệu kiến, cho ngồi cùng đàm luận việc nước, có lúc say sưa
đến quên cả giờ cơm. Tuy rằng phẩm chất không được cho là nhân từ
sáng suốt, cũng là một vị vua có ý chí, có tinh thần phấn đấu muốn cai
trị tốt đất nước.
Thái Tông nói:
− Khanh chỉ biết một mà không biết hai. Tùy Văn Đế là người
quá ư xét nét, còn không hiểu rõ đạo lí trong việc xử sự. Không sáng
suốt thì không thể tự biết lỗi lầm của bản thân, quá xét nét dễ dẫn đến
đa nghi trong đối nhân xử thế. Tùy Văn Đế từng vì bức hiếp kẻ cô thế
quả phụ mà đoạt được thiên hạ, cho nên ông ta thường trút giận lên
đầu những người bằng mặt nhưng không bằng lòng với những hành
động của ông ta, không tin tưởng văn võ bá quan. Sự việc dù lớn hay
nhỏ ông ta đều muốn tự mình xử lí và đưa ra quyết định, tuy là tinh
thần lao lực, thân xác rã rời cuối cùng cũng không thể xử lí mọi việc
một cách hợp tình hợp lí. Các quan trong triều tuy là hiểu được suy
nghĩ của ông ta, cũng không dám thẳng thắn đưa ra lời can gián. Từ tể
tướng cho đến các quan chức cấp thấp chỉ biết tuân theo lệnh, làm
theo chỉ thị mà thôi. Còn cách nhìn nhận của ta thì không phải như thế.
Thiên hạ vô cùng rộng lớn, người trong nước nhiều đến như thế, hằng
ngày xảy ra hằng hà sa số các việc không giống nhau, cho nên không
thể hành xử một cách khô cứng, chuyên nhất, cần phải linh hoạt. Ta
cho rằng phàm việc gì cũng nên thương nghị với văn võ bá quan, chú
ý lắng nghe kế sách của tể tướng đưa ra, đối với những việc cần xử lí
phải có sách lược cụ thể nếu dự đoán kết quả có thể đạt được sự ổn
thỏa, tiện lợi mới tiến hành thực hiện. Thử nghĩ một người làm sao có
thể suy nghĩ để đưa ra quyết định cho vô số những việc cần phải xử lí
trong một ngày! Vả lại một ngày phải xử lí mười việc, có năm việc
mắc sai lầm, làm đúng đương nhiên là rất tốt, nếu như sai thì làm sao?
Cho nên ngày tháng trôi qua, nhiều năm trôi qua, sai lầm càng chồng
chất, không bị diệt vong thì còn đợi gì đây? Như thế làm sao so sánh
được với người biết mở rộng việc dùng hiền tài, thân ở ngôi cao mà