đổ. Thời đại Nghiêu Thuấn sở dĩ thái bình quả thực là nhớ áp dụng
nguyên tắc này.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ ba, Thái Tông hỏi Cấp sự trung Khổng
Dĩnh Đạt:
− “Luận ngữ” nói: “Người có tài năng thì thỉnh giáo người không
có tài năng, người tri thức nhiều thỉnh giáo người tri thức ít; có tài
cũng giống như không có tài, tri thức phong phú cũng giống như thiếu
tri thức”. Thế nghĩa là thế nào?
Khổng Dĩnh Đạt đáp:
− Thánh nhân tiến hành giáo hóa, mong muốn mọi người khiêm
tốn và quang minh chính đại hơn. Mình tuy có tài năng nhưng không
khoe khoang tự đại, vẫn học hỏi người không có tài năng những điều
họ biết. Mình tuy đa tài đa nghệ, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn
học hỏi người có tri thức ít hơn để bổ ích thêm cho mình. Tuy có tài
năng, nhưng vẫn xem mình giống như không có tài năng; tuy tri thức
phong phú, nhưng vẫn xem mình như không có tri thức. Không chỉ
trăm họ phải như vậy, mà đức hạnh của đế vương cũng nên như vậy.
Đế vương trong ẩn chứa thông minh, bề ngoài phải trầm lắng, làm cho
mình cao thâm không để đo lường.
Vì thế “Chu dịch” nói: “Tự cho mình là mông muội để tu dưỡng
chính đạo”, “Phải ẩn giấu sự sáng suốt để trị vì trăm họ”. Nếu đế
vương ở ngôi chí tôn mà khoe khoang sự thông mình của mình, ỷ có
tài năng hiếp đáp người khác, che giấu lỗi lầm không nghe can gián,
thì trên dưới cách tuyệt, nguyên tắc cần tuân thủ giữa vua và tôi sẽ bị
vi phạm. Xưa nay nước nhà diệt vong đều do tình trạng đó gây ra.
Thái Tông nói:
− “Chu dịch” nói: “Quân tử khiêm nhường và có trước có sau ấy
là điều tốt lành”. Quả như điều khanh nói.