Thần nghe sách “Thượng thư” nói: “Văn Vương lấy đức tốt trị
thiên hạ mà cẩn thận sử dụng hình phạt”, “vua Kiệt thích dùng hình
phạt e có lạm dụng khiến không khỏi thiên vị”. Sách “Lễ ký” nói: “Kẻ
làm vua lấy cái lý ngay thẳng để sai khiến bề tôi thì bề tôi hầu vua dễ,
không gian trá, vua cũng dễ biết được bên dưới, vua hành động theo lẽ
phải, bề tôi không có gian trá thì có thể không cần dùng đến hình phạt.
Vua mà đa nghi, dân chúng sẽ mê hoặc, không thấu hiểu bề tôi, như
thế vua sẽ phiền lao”. Vua dễ hầu hạ, bề tôi dễ biết thì quan sẽ không
phiền lao, trăm họ cũng không bị mê hoặc. Vì thế vua có đức tốt thuần
nhất thì bề tôi thờ vua sẽ không có hai lòng, vua có thành ý trung hậu
rộng rãi, bề tôi sẽ ra sức phò tá, cái gốc thái bình của nước nhà sẽ
không bị sụp đổ, khắp nơi sẽ vang tiếng âu ca. Lòng nhân của bệ hạ
phủ khắp bốn phương, công huân cao hơn vạn vật trong trời đất,
không ai không quy phục, người phương xa không ai không đến.
Nhưng về ngôn luận thì coi trọng chữ nghĩa văn vẻ, tâm trí để vào
những việc nhỏ nhặt, thưởng phạt còn có chỗ chưa chu đáo. Cái gốc
của thưởng phạt là thưởng tốt phạt xấu, đế vương sử dụng thưởng phạt
sở dĩ làm cho thiên hạ thái bình là bởi không quyết định nặng nhẹ theo
thân sơ sang hèn. Nhưng việc thưởng phạt hiện nay lại không được
như thế. Hoặc lấy tốt xấu để quyết định thưởng phạt, hoặc lấy hỷ nộ
để quyết định nặng nhẹ. Lúc vui thì dù trường hợp đáng phạt cũng cho
rằng về tình có thể tha thứ, lúc giận thì gán thêm tội khác ngoài bản
án. Người mình thích thì khoét da thịt để tìm lông vũ, người mình ghét
thì rửa sạch cáu bẩn để tìm vết sẹo. Vết sẹo mà tìm được thì trừng phạt
sẽ quá độ; lông vũ mà tìm khoét ra được thì khen thưởng sẽ hoang
đường. Trừng phạt quá độ thì việc tiểu nhân làm bậy sẽ tăng lên; khen
thưởng hoang đường thì những chủ định đúng đắn của nhà vua sẽ bị
tổn hại. Tội ác của tiểu nhân không trừng phạt, điểm tốt của quân tử
không khuyến khích mà mong muốn nước nhà an ninh, hình phạt bị bỏ
thì thần chưa bao giờ được nghe.