thuật Nho gia, tìm kiếm nhân tài trị nước không biết mệt mỏi, lựa chọn
người thích hợp ra làm quan nên đã cải cách được tình hình chính trị
tồi tệ trước kia, xây dựng và khôi phục chế độ pháp luật, gặp việc gì
cũng cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh ác theo thiện. Ban đầu, đồng đảng
của Kiến Thành, Nguyên Cát có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kẻ
cùng mưu hại Thái Tông. Sau khi sự biến được dẹp yên, Thái Tông lại
bổ nhiệm một số người trong đó làm cận thần tả hữu của mình, đối xử
với họ bằng tâm địa bao dung, không hề hoài nghi và xa cách, các
đánh giá khi ấy đều cho rằng Thái tông có thể quả đoán quyết định đại
sự, có khí độ của bậc đế vương. Ông rất ghét hành vi tham ô bẩn thỉu
của quan lại, quan lại nào nhận tiền mà hành sự trái pháp luật nhất
định sẽ bị xử phạt nghiêm, tuyệt đối không xá miễn. Bất kể làm quan
ở kinh thành hay ở vùng xa xôi, ai phạm tội nhận hối lộ đều phải tâu
rõ rồi căn cứ tình tiết phạm tội để xử trị theo pháp luật. Vì vậy, quan
lại phần lớn thanh liêm cẩn trọng. Thái Tông còn chú ý kiểm soát nhà
các vương công, quý phi, những người thuộc hào tộc và những kẻ gian
giảo đều sợ uy lực của quốc pháp mà ẩn giấu hành tích của họ, không
dám bắt nạt áp bức nhân dân. Thương nhân lữ khách trú ở bên ngoài
cũng không còn bị cướp bóc, nhà ngục thường vắng bóng người. Trâu
ngựa thành đàn khắp các cánh đồng, cửa nhà cũng không cần đóng.
Lại liên tiếp được mùa bội thu, mỗi đấu gạo giá chỉ ba bốn tiền, lữ
khách từ kinh thành đến các nơi, từ Sơn Đông đến Đông Hải đều
không cần mang theo lương khô, có thể lấy dùng dọc đường. Đi vào
các thôn xóm ở Sơn Đông, khách qua đường chắc chắn sẽ được cung
cấp và tiếp đón nồng hậu, có người khi ra đi còn được tặng quà. Đó là
điều xưa nay chưa từng có.