Năm Trinh Quán thứ mười hai, Thái Tông đến cung Cửu Thành.
Em trai của Đột Lợi Khả Hãn là Trung lang tướng A Sử Na Kết Xã
Soái ngầm câu kết với bộ hạ, ủng hộ con trai của Đột Lợi là Hạ La Hạt
đột kích nơi hoàng đế ở, sự việc thất bại, tất cả đều bị bắt chém đầu.
Từ đó Thái Tông cho rằng người Đột Quyết không đáng tin, hối hận
việc cho bộ lạc của họ ở Trung Quốc, thế nên sai đưa cựu bộ của họ
đến vùng bắc Hoàng Hà để trấn thủ thành Định Tương ban đầu, lập Lý
Tư Ma làm khả hãn thống soái họ. Thái Tông nhân sự kiện này nói với
thị thần:
− Ngày trước không nghe theo kiến nghị của Ngụy Trưng, cảm
thấy hầu như mất đi một phương lược trị an lâu dài.
Năm Trinh Quán thứ tư, Thái Tông cùng các thị thần bàn việc bố
trí bộ lạc Đột Quyết, Trung thư lệnh Ôn Ngạc Bác nói:
− Tùy Văn Đế lãng phí kho phủ lập khả hãn cho người Đột Quyết
để họ khôi phục nước mình. Sau đó Đột Quyết bất chấp ân nghĩa,
không giữ chữ tín, vây khốn Tùy Dạng Đế ở Nhạ Môn Quan. Nay bệ
hạ nhân từ khoan hậu, nghe theo ý nguyện của họ, hai vùng Hà Nam,
Hà Bắc để mặc họ sinh sống, các bộ lạc đều có tù trưởng, không có
quan hệ với nhau, thế lực phân tán, sao có thể thành họa hại được?
Cấp sự trung Đỗ Sở Khách nói:
− Dị tộc phương bắc rất khó dùng ân đức để vỗ về, dễ dùng uy
lực hàng phục. Nay để bộ lạc của họ cư trú rải rác ở vùng Hà Nam,
quá gần Trung nguyên, dần dà sẽ thành họa hoạn. Còn về chiến dịch ở
Nhạ Môn Quan, tuy là Đột Quyết vong ân bội nghĩa, nhưng cũng là do
Tùy Dạng Đế tàn bạo, Trung nguyên về thế đại loạn, nào có thể nói là
vì khôi phục nước bị diệt vong mà chuốc lấy tai họa? Dị tộc không thể
gây rối loạn, đó là huấn thị rõ ràng cửa bậc thánh triết, khôi phục nước
bị diệt vong để không bị đoạn tuyệt là chuẩn mực thông thường của
bậc quân vương thánh minh. Thần lo là làm việc không bắt chước
người xưa thì rất khó lâu dài.