Sakharov đã phát hiện vào năm 1967 rằng tự nhiên không phải là vô tư,
công bằng đối với vật chất và phản - vật chất, mà thực tế nó hơi thiên vị đối
với vật chất. Cụ thể là ở lúc bắt đầu của Vũ trụ, cứ 1 tỷ phản - quark xuất
hiện từ chân không lại có 1 tỷ lẻ một hạt quark cùng xuất hiện. Sau đó, vào
thời điểm một phần triệu giây đầu tiên sau Big Bang, khi Vũ trụ đã lạnh đi
đủ để cho phép cứ ba hạt quark kết hợp lại tạo thành proton và nơtron và
các phản - quark kết hợp lại tạo thành các phản hạt tương ứng, đa số các hạt
và phản hạt sẽ hủy nhau để trở thành ánh sáng. Nhưng sự dôi nhỏ của các
quark so với các phản - quark dẫn đến hậu quả là sẽ tạo ra các proton, chỉ
còn lại 1 hạt vật chất, một tỷ lệ đúng như người ta đã quan sát thấy ngày
hôm nay. Nếu số hạt và số phản - hạt hoàn toàn như nhau, thì các ngôi sao,
các thiên hà, con người, cây trái và hoa lá sẽ không tồn tại và cả ông và tôi
cũng sẽ không có mặt ở đây để nói về chuyện này.
Để cố cứu vớt ý tưởng về sự đối xứng tuyệt đối giữa vật chất và phản - vật
chất và để không dựng nên một Vũ trụ khô cằn, Alfven đã thừa nhận có sự
ngăn cách không gian giữa hai dạng đó của vật chất, nhờ đó mà không xảy
ra sự hủy nhau giữa chúng. Tất nhiên, nếu các thiên hà và phản - thiên hà
mỗi thứ cứ ở nguyên chỗ của mình và không bao giờ gặp nhau thì chúng sẽ
không thể hủy nhau được. Nhưng, như tôi đã từng nói với ông, những tia
Vũ trụ đã khẳng định rằng các phản - thiên hà là không tồn tại. Hơn nữa,
vật lý các hạt sơ cấp nói với chúng ta rằng tự nhiên có sự thiên vị đối với
vật chất với tỷ lệ một phần tỷ so với phản - vật chất và toàn bộ ý tưởng về
sự đối xứng tuyệt đối giữa vật chất và phản – vật chất là sai lầm. Và cuối
cùng, vẫn lại là bằng chứng tai ác: Vũ trụ học này không giải thích được
một cách tự nhiên sự tồn tại của bức xạ hóa thạch.
Còn có những cuộc tấn công nào khác chống lại lý thuyết Big Bang không?
Không trực tiếp chống lại chính Big Bang, mà chống lại cột trụ lý thuyết
của nó, đó là thuyết tương đối rộng của Einstein. Một trong những tiền đề
cơ bản của thuyết này là không có gì có thể chuyển động nhanh hơn ánh
sáng. Nhưng có một phát hiện bất ngờ đã làm cho nhiều nhà khoa học phải
thốt lên ngạc nhiên: trong một số thiên hà vô tuyến, những chuyển động
được mệnh danh là siêu ánh sáng dường như đã vượt quá 300.000km/s.