TRÒ CHUYỆN VỚI TRỊNH XUÂN THUẬN - Trang 36

Vì chạy ra xa nhanh, tức là ở rất xa (theo hệ thức khoảng cách/vận tốc được
phát minh bởi Hubble), nên các quasar ở tít tắp biên giới của Vũ trụ. Hơn
nữa, nhìn càng xa tức là nhìn được càng sớm hơn, nên thực chất chúng ta
quan sát chúng vào thời kỳ mà Vũ trụ còn rất trẻ. Để giả thuyết về Trạng
thái dừng còn có ý nghĩa, người ta cần phải tìm thấy số quasar hiện nay
phải bằng số quasar trong quá khứ. Nhưng hoàn toàn không thấy như vậy;
vào thời điểm hiện nay có rất ít các quasar và điều này có nghĩa là đã có sự
tiến hóa và thay đổi.
Những quan sát khác cũng khẳng định thực tế đó. Ví dụ, sự thống kê số các
thiên hà vô tuyến - tức các thiên hà phát phần lớn năng lượng của chúng
dưới dạng các sóng vô tuyến - chỉ ra rằng các thiên hà này trong quá khứ
đông hơn rất nhiều. Như vậy, chính các thiên hà này cũng đã tiến hóa.
Nhưng phát súng ân huệ làm chết hẳn lý thuyết Trạng thái dừng, đó là sự
phát hiện ra bức xạ hóa thạch: Trạng tháu dừng không thể nào dung hòa
được vơi sự tồn tại của bức xạ đó, bởi vì trong lý thuyết này Vũ trụ không
hề trải qua pha cực nóng và đặc. Mà không có ngọn lửa sáng thế đó thì làm
sao có thể có đống tro tàn còn lại? Không có vụ nổ nguyên thủy (Big Bang)
thì làm sao có tiếng dội cho tới ngày nay? Sự phát hiện ra bức xạ hóa thạch
cuối cùng đã tập hợp được đa số của cộng đồng các nhà khoa học xung
quanh lý thuyết Big Bang.
Bức xạ hóa thạch và sự giãn nở của Vũ trụ đã tạo nên hai hòn đó tảng của
lý thuyết Big Bang. Vậy thì ngoài lý thuyết Trạng thái dừng ra còn có
những lý thuyết Vũ trụ nào khác đối địch với lý thuyết Big Bang không?
Có, chẳng hạn như lý thuyết ánh sáng “mệt mỏi” trong đó Vũ trụ là tĩnh,
tức là không có chuyển động giãn nở. Sự dịch về phía đỏ của ánh sáng do
các thiên hà phát ra được giải thích không phải do chuyển động chạy trốn
ra xa mà là do sự “mệt mỏi” được tích tụ bởi các photon trong suốt cuộc
hành trình dài dằng dặc của chúng giữa các thiên hà và giữa các ngôi sao.
Tuy nhiên, lý thuyết này có không ít điểm yếu. Trước hết, không tồn tại
một cơ chế vật lý đã biết nào có thể gây ra sự mệt mỏi đó, nhưng trước hết
là lý thuyết này không có được một cách giải thích tự nhiên sự tồn tại của
bức xạ hóa thạch.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.