TRÒ CHUYỆN VỚI TRỊNH XUÂN THUẬN - Trang 35

khi Penzas nói chuyện điện thoại với một đồng nghiệp ở MIT. Ông bạn có
kể về hội nghị do James Peebles - một giáo sư ở Princeton - tổ chức mà ông
ta vừa tham dự. Cùng với một giáo sư ở Princeton là Robert Dicke, Peebles
vừa mới phát hiện lại ý tưởng của Gamow: nếu Vũ trụ xuất phát từ một vụ
nổ lớn (Big Bang), từ một trạng thái cực đặc và nóng thì ngày hôm nay
phải có một bức xạ hóa thạch đồng nhất và đẳng hướng.
Vậy là Penzas và Wilson đã phát hiện ra đống tro tàn của ngọn lửa sáng thế
mà không có chủ ý trước. Nhưng điều ngạc nhiên nhất trong câu chuyện
này, đó là êkip ở Princeton chỉ ở cách phòng thí nghiệm của hãng Bell
khoảng một trăm cây số cũng đã nghĩ tới bức xạ hóa thạch, mặc dù không
hề biết tới bài báo của Gamow, và vào thời gian đó gần như đã lắp đặt xong
một kính thiên văn vô tuyến để tìm kiếm bức xạ đó.
Đây là hiện tượng thường xảy ra trong khoa học và luôn luôn khiến cho tôi
phải ngạc nhiên: các nhà nghiên cứu ở những nơi cách xa nhau trên hành
tinh, làm việc độc lập với nhau mà lại phát minh ra cùng một thứ và gần
như ở cùng một thời gian. Điều này rất giống với hiện tượng về tính “đồng
bộ” mà Carl Gustav Jung (nhà phân tâm học nổi tiếng người Đức) đã nói
tới. Nhưng thay vì phải viện tới các phương tiện giao tiếp bằng ngoại cảm,
tôi thiên về ý nghĩ cho rằng tính đồng bộ này có được là do những ý tưởng
được gieo từ rất lâu trước đó và đã đồng thời chín mùi.
Nhưng trước khi phát hiện ra bức xạ hóa thạch đã có ai đặt vấn đề xem xét
lại mô hình Trạng thái dừng một cách nghiêm túc đâu? Những con tàu thăm
dò Vũ trụ đầu tiên cũng không thể khẳng định được có hay không có sự
sinh ra từ chân không các proton nổi tiếng - chỗ dựa của lý thuyết này - kia
mà?
Lý thuyết Trạng thái dừng bắt đầu bị đưa ra xem xét lại vào đầu những năm
1960, nhưng không phải do các con tàu thăm dò Vũ trụ, bởi vì tỷ lệ sinh
các proton cần thiết nhỏ tới mức không có một dụng cụ nào có thể phát
hiện nổi. Trái lại, một số các quan sát thiên văn đã bắt đầu làm nghiêng ngả
tòa nhà của lý thuyết này, đặc biệt là sự phát hiện được các quasar vào năm
1963. Sự dịch cực mạnh về phía đỏ của ánh sáng do các thiên thể này phát
ra có nghĩa là chúng chạy trốn rất nhanh ra xa dải Ngân Hà của chúng ta.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.