Jacques Vauthier
Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận
Phạm Văn Thiều dịch
Phần 5
Sau những nhận xét rất lý thú đó về thời gian và không gian, xin ông hãy
giải thích cho chúng tôi rõ các ông đã đo 75.000 năm ánh sáng mà ông vừa
nói tới ở trên như thế nào?
Đây là vấn đề về chiều sâu của Vũ trụ. Nhà thiên văn chính là người đo đạc
Vũ trụ. Để xác lập địa lý của Vũ trụ, anh ta phải dùng hết tài trí để thực
hiện các kỹ thuật đo những khoảng cách rất khác nhau.
Ta hãy bắt đầu từ khoảng cách tới các hành tinh. Những khoảng cách này
đã được biết với độ chính xác rất cao nhờ các kỹ thuật trắc đạc bằng rađa.
Nhờ kính thiên văn vô tuyến lớn Arecibo (với đường kính tới 300m) ở
Porto – Rico, người ta đã gửi đi các sóng vô tuyến và các sóng này sẽ phản
xạ trên bề mặt của các hành tinh. Khoảng cách tới các hành tinh này sẽ
nhận được bằng cách nhân vận tốc ánh sáng với nửa thời gian đi – về của
các sóng vô tuyến đó. Kỹ thuật này cũng cho phép ta lập được bản đồ chi
tiết của các hành tinh cũng như các mặt trăng của chúng. Thực vậy, nếu
sóng vô tuyến được phản xạ từ một ngọn núi cao trên hành tinh, thì nó sẽ
trở về nhanh hơn, trong khi đó thời gian đi và về của sóng sẽ kéo dài hơn
nếu như nó được phản xạ từ một thung lũng. Chính bằng cách này NASA
đã nghiên cứu được địa hình núi non, hẻm vực và thung lũng trên Mặt
Trăng và sao Hỏa với độ chính xác cao. Và NASA đã chọn chỗ hạ cánh
trên Mặt Trăng cho mô-đun con tàu và các phi hành gia theo cách như vậy.
Nhưng kỹ thuật trắc đạc bằng rađa không thể áp dụng ra ngoài giới hạn hệ
Mặt Trời của chúng ta. Sao Diêm Vương, hành tinh ở xa Mặt Trời nhất, chỉ
cách Trái Đất có 5,2 giờ ánh sáng, một khoảng cách chưa lấy gì làm xa lắm.
So với dải Ngân Hà, hệ Mặt Trời của chúng ta chỉ là một con vi khuẩn so
với khoảng bao la của Thái Bình Dương.
Nhưng làm thế nào đi xa hơn theo chiều sâu của Vũ trụ?
Để đo khoảng cách tới các ngôi sao gần nhất, cỡ dưới 100 năm ánh sáng,