Tất cả những điều thần bí trên thế gian này gần đúng với sự thật hơn những
thứ được gọi là lịch sử. Nhưng thay vì dạy môn thần học, chúng ta lại dạy
con cái mình về lịch sử. Chúng ta dạy chúng toán học, không phải thơ ca.
Và chúng ta truyền đạt chút thơ ca ít ỏi đó bằng cách nhồi nhét khiến bọn
trẻ chán đến mức sau khi rời khỏi ghế nhà trường, chúng không bao giờ
muốn đọc Shakespeare, không bao giờ muốn nhìn vào các tác phẩm của
Milton một lần nào nữa. Những điều mà bọn trẻ quan tâm không được
khuyến khích, chúng không thể trở nên thi vị hơn, chúng không còn quan
tâm đến thơ ca. Chúng không được cổ vũ để trở nên sáng tạo hơn, không
được học cách thi vị hóa cuộc sống.
Các học giả rất giỏi trong việc phá hủy những thứ tốt đẹp bằng những lời
bình luận, diễn giải, bằng thứ được gọi là kiến thức. Họ khiến cho mọi thứ
trở nên nặng nề đến mức với họ, ngay cả thơ ca cũng kém thi vị.
Tôi không tham dự bất kỳ lớp văn thơ nào khi còn là sinh viên. Thầy trưởng
khoa liên tục gọi tôi lên nhắc nhở và nói: “Cậu tham dự các lớp học khác,
nhưng tại sao cậu không bao giờ có mặt ở các buổi học thơ?”.
Tôi đáp: “Bởi vì em luôn muốn nuôi dưỡng niềm yêu thích thơ ca của mình.
Em yêu thơ, vậy nên em không tham dự. Và em biết rõ rằng các giáo sư
chẳng thi vị chút nào, họ chưa từng biết đến thơ ca thực sự. Em hiểu rõ họ.
Thầy dạy thơ trong trường chính là người hay đi dạo cùng em mỗi sáng. Em
chưa bao giờ thấy ông ấy ngắm nhìn cây cối, lắng nghe chim hót, ngắm
bình minh…”.
Và tại ngôi trường nơi tôi từng học, bình minh và hoàng hôn ở đó đẹp vô
cùng. Trường nằm trên một ngọn đồi, được bao quanh bởi những ngọn đồi
nhỏ hơn. Tôi đã đi khắp Ấn Độ, nhưng chưa nơi nào tôi nhìn thấy cảnh bình
minh và hoàng hôn đẹp đến vậy. Không hiểu vì lý do gì mà sắc màu hoàng
hôn cũng như bình minh ở trường Đại học Saugar này đẹp đến mức ngay cả
một người mù cũng có thể cảm nhận được điều gì đó thật tuyệt đang diễn
ra.