Giờ đây trong khi chờ Xoa đến ra mắt, Trắc lại nghĩ tới chuyện thành
ốc và An Dương Vương. Trắc nghĩ, khi tới chiếm đất Khê, diệt nước Văn
Lang, phế bỏ vua Hùng, xây thành ốc, Thục Vương Tử nhất định đã bị dân
chúng Lạc Việt phản đối, không thừa nhận là thủ lĩnh của mình. Việc đàn
áp, giết chóc chắc phải khốc liệt và tàn ác lắm. Vậy nên cái câu hát mà
gánh hát của Trùm Lí vẫn hát bao lâu: Gióng và Thục Phán/ Những con của
Trời... chắc phải sửa lại. Nhưng sửa như thế nào? Có lẽ phải bàn với Trùm
Lí.
Mất nửa ngày, người ta mới đón được Xoa đến ra mắt mụ Lựu và
Trắc.
Xoa là một người đàn ông cỡ tuổi ngoài bốn mươi, da ngăm đen, chắc
chắn. Anh ta đến tay không. Mụ Lựu trỏ vào Xoa, nói:
"Anh này là thợ săn. Cả nhà anh ta, đời đời chỉ làm nghề săn bắt. Nhà
có chiếc nỏ nhất phát bách tiễn, nhưng không bao giờ dùng."
Trắc hỏi:
"Sao lại không dùng?"
Xoa ngước nhìn người khách trẻ của chúa trại, biết không phải là
người trong trại, từ đâu đến không biết, nhưng hẳn phải đến từ rất xa.
Người này đến để mua thú, hay định mượn nỏ, hay định làm gì? Không
biết. Xoa trả lời nhát gừng:
"Nỏ nhất phát bách tiễn là nỏ thần, chỉ dùng vào việc nghĩa, không
dùng để sát sinh."
Câu trả lời khiến Trắc chú ý. Chỉ dùng vào việc nghĩa là ý thế nào? Để
chống ngoại lai xâm phạm trại? Hay để giúp trại mở mang thế lực? Ồ,
không nên suy diễn. Trắc tự nhủ, rồi nói: