Lúc đó, Thái thú Tích Quang đang cùng viên Đô uý ngồi nói chuyện
với quan Thái Thương Lệnh mới từ triều đình sang, ở gian phòng lớn có
trải da hổ, có dựng ngà voi. Bên tường có giá để binh khí sáng loáng. Nghe
tiếng hát, Tích Quang bèn gọi người hầu lại bảo:
"Thưởng cho đám hát rong ít bạc vụn, rồi đuổi chúng đi."
Quan Thái Thương Lệnh họ Lục tên An, nghe nói thuộc con nhà nòi,
ông tổ là Lục Giả đã mấy lần đi Lĩnh Nam du thuyết để Nam Việt Vương
quy hàng nhà Hán. Tích Quang nhún nhường, nói:
"Hạ quan nhậm chức ở Giao Chỉ đã sang năm thứ mười một, lúc nào
cũng một lòng một dạ thờ vua. Nay Trung Nguyên có biến, bọn hạ quan ở
Lĩnh ngoại, có tai mà như điếc, có mắt mà như mù, xin Thái Thương Lệnh
chỉ giáo."
Họ Lục nhận lệnh của quan Đại Tư Nông đi Giao Chỉ đốc thúc thu
thuế, ra đi từ mùa hạ năm trước, đến mùa xuân năm nay mới đến được Liên
Lâu. Vượt Ngũ Lĩnh đến Phiên Ngung, rồi theo đường biển đến Giao Chỉ,
ốm đã tưởng chết. Chân ướt chân ráo tới Liên Lâu, được biết Thái thú Tích
Quang không có mặt ở Trị sở, lại vội vã đi Mê Linh. Họ Lục ngẫm nghĩ
thấy phục cụ tổ Lục Giả, hai lần từ Trường An đi Phiên Ngung, mỗi chuyến
đi kéo dài hàng năm trời, có thể nói nằm gai nếm mật, kiên trì như gieo hạt
thông chờ đến khi cây lớn cất gỗ làm nhà, rỉ rả như mưa dầm khiến cho
viên Huyện lệnh của Tiên Tần là Triệu Đà phải sụp xuống dâng nước Nam
Việt cho nhà Hán. Quan Thái Thương Lệnh chợt chạnh lòng, vậy mà sự
nghiệp nhà Hán, kể từ khi Cao Tổ gây dựng nên, lẫy lừng như vậy mà lại
lọt vào tay Vương Mãng.
Nhân Tích Quang hỏi thăm tình hình Trung Nguyên, Lục An lại nhớ
vào cuối đời Bình Đế, trong chuyến vâng lệnh quan Đại Tư Nông đi đốc
thuế ở Long Tây. Đó là một mùa hè nóng bỏng, ban ngày thì lửa thiêu đốt,
ban đêm thì rét thấu xương, năm bảy bận suýt bị chết vùi trong bão cát. Ở